Ban ngày trời nắng chói chang, nhiệt độ cao bình quân ở mức 35-36 độ C và đỉnh điểm của nắng, nóng là trong khoảng từ 10 giờ đến 16 giờ cùng ngày; độ ẩm không khí thấp, tạo cảm giác khô rát, khó chịu.
Nắng nóng gay gắt không chỉ gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Trong những ngày nắng nóng, từ 10 giờ sáng đến 16 giờ cùng ngày thì mọi hoạt động sản xuất trên đồng ruộng, hoạt động công nghiệp cầm chừng; số người phải nhập viện tăng lên, nhất là người già và trẻ em. Với những đợt nắng nóng như vậy sự gia tăng của các phụ tải dùng điện làm mát cùng với lượng điện cần thiết cho sản xuất, kinh doanh đã dẫn đến việc "cung" không đáp ứng nổi "cầu" và hậu quả là nhiều nơi bị mất điện ngoài dự kiến. Theo tính toán của ngành Điện, hàng năm, lượng điện cần cho sản xuất và sinh hoạt tăng từ 15-20%; trong khi đó nguồn cung ứng lại có hạn, mặc dù ngành Điện đã tìm mọi cách để đáp ứng, song vẫn chưa thỏa mãn. Vì vậy tiết kiệm điện vẫn là giải pháp tối ưu trong giai đoạn hiện nay. Mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp… cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, sử dụng điện tiết kiệm bằng hành động cụ thể của mình và từ những công việc nhỏ nhất, như thực hiện "ra tắt vào đóng", chỉ dùng điện khi thật cần thiết và dùng vào giờ thấp điểm. Để chống lại cái nóng gay gắt, đồng thời lại tiết kiệm điện, nhiều người dân đã có những "sáng kiến": Tìm nơi râm mát, thông thoáng có gió thổi để trú ngụ, sử dụng quạt thủ công, dùng quạt hơi nước tự chế… Tiết kiệm điện ngoài ý nghĩa về mặt xã hội, dưới góc độ gia đình còn là sự giảm chi phí cần thiết khi mà cuộc sống đang cần chi cho những lĩnh vực khác.
Năm nay, nguồn điện cung ứng có khá hơn do có mưa sớm ở đầu nguồn, lượng điện mua từ nước ngoài tăng và một số nhà máy điện mới hoàn thành, do vậy việc cắt điện trong thời gian qua còn ít. Nhưng bước vào thời kỳ nắng, nóng gay gắt thì nhiều khả năng vẫn phải tiết giảm điện năng, cắt điện luân phiên ở những nơi cho phép. Đương nhiên "tiết kiệm" chứ không phải "hà tiện", do vậy, những công trình, công việc quan trọng; khu vực cần thiết vẫn phải đảm bảo sự ưu tiên có điện, đủ điện để hoạt động. Ngành Điện đã có kế hoạch cụ thể trong việc cung ứng nguồn cho các cơ quan, đơn vị, các vùng miền; cũng như có kế hoạch cắt giảm điện luân phiên khi cần. Theo đó, điện sẽ được ưu tiên cho các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, các công trình trọng điểm, các khu văn hóa - xã hội quan trọng, sản xuất nông nghiệp mà trọng tâm là tưới tiêu cho lúa và hoa màu… Tuy nhiên, ở các lĩnh vực sản xuất này thì ý thức trong việc tiết kiệm điện vẫn phải được đề cao: sử dụng điện hợp lý có hiệu quả, tránh dùng điện vào giờ cao điểm. Đối với điện sinh hoạt ở các khu dân cư vùng nông thôn có thể bị cắt luân phiên theo kế hoạch và ngành Điện sẽ thông báo trước trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động đối phó.
Trường Sinh