Đối với tỉnh Ninh Bình, số vụ án mua, bán người xảy ra không nhiều nhưng đã gây ra hậu quả nhức nhối, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Với những thủ đoạn ngày càng tinh vi của bọn tội phạm buôn người như: xin, nhận con nuôi để mua, bán trẻ em; dụ dỗ đi làm việc ở vùng biên giới; kết hôn với người nước ngoài, đi du lịch hoặc đi xuất khẩu lao động…để lừa bán nạn nhân và trốn tránh pháp luật.Trước tình hình trên, Quốc hội (khóa XII) đã ban hành Luật Phòng, chống mua, bán người có hiệu lực từ ngày 1-1-2012. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo và ngày 19-01-2016, Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-BCĐ về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020.
Để triển khai thực hiện Kế hoạch số 15/KH-BCĐ của Ban chỉ đạo Chính phủ, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh). Ngày 17-3-2016, Ban Chỉ đạo tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 35/KH-BCĐ thực hiện Chương trình phòng, chống mua, bán người, giai đoạn 2016-2020.
Căn cứ vào Kế hoạch của Ban chỉ đạo tỉnh và tình hình thực tế tại các địa phương, đơn vị, các ngành thành viên và Ban chỉ đạo các huyện, thành phố được phân công thực hiện các các nhiệm vụ cụ thể đồng bộ, với mục đích tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động về phòng, chống mua bán người. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, giảm nguy cơ mua, bán người và thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Các biện pháp cụ thể là đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống mua bán người để nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Làm tốt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua, bán người. Có các giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân bị mua, bán người trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Về biện pháp truyền thông, cần đổi mới nội dung, hình thức truyền thông tại cộng đồng, tập trung ở các địa bàn phức tạp, giáp ranh, địa bàn có nguy cơ cao như khu vực nông thôn, miền núi, địa bàn có nhiều trẻ em và phụ nữ không có việc làm ổn định. Nội dung truyền thông đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với mọi lứa tuổi, vùng miền; lấy các điển hình về vụ việc thật, thủ đoạn của đối tượng phạm tội, về mất cảnh giác của nạn nhân để tuyên truyền.
Trong công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, lực lượng Công an tỉnh chủ động tổ chức điều tra cơ bản, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, đối tượng nổi lên, nhất là số chủ mưu, cầm đầu đường dây phạm tội, số có tiền án, tiền sự về tội danh mua, bán người để phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn.
Phát hiện, xử lý triệt để các trung tâm môi giới trá hình, kết hôn trái pháp luật, các đối tượng cò mồi dẫn dắt đưa người ra nước ngoài bán. Phân tích làm rõ tính chất, phương thức thủ đoạn, các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm mua bán người.
Trên cơ sở đó phân loại, đề xuất đối sách và phương án đấu tranh cụ thể với những đối tượng có biểu hiện hoạt động mua bán người nhằm chủ động ngăn chặn kịp thời.
Hằng năm, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, đồng thời, nghiên cứu khắc phục những sơ hở trong công tác quản lý … không để bọn tội phạm lợi dụng vào hoạt động mua bán người.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường các hoạt động nghiệp vụ; quản lý, giám sát chặt chẽ tuyến đường thủy nội địa và khu vực ven biển Kim Sơn, không để các đối tượng lợi dụng đưa người ra nước ngoài bán.
Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Cơ quan điều tra các cấp thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người.
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội làm tốt công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, xây dựng mạng lưới hỗ trợ nạn nhân và thực hiện quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, đặc biệt chú ý đối tượng là trẻ em…
Với sự vào cuộc tập trung quyết liệt của các ngành, các địa phương sẽ ngăn chặn, đẩy lùi được tội phạm mua, bán người, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.
Nguyễn Đông