Chú trọng công tác tuyên truyền, cương quyết trong cưỡng chế thi hành pháp luật
Thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông, Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 07-TT/TU ngày 27-7-2007 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 22/CT-T.Ư ngày 24-2-2003 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT; UBND tỉnh đã ban hành Cỉ thị 06/2007/CT-UBND ngày 6-8-2007 về việc thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ.
Hàng năm, Ban ATGT tỉnh xây dựng kế hoạch, phối hợp với các lực lượng đảm bảo TTATGT. Thường xuyên tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm để khắc phục tồn tại, phát huy ưu điểm để chỉ đạo tốt hơn công tác bảo đảm TTATGT. Từ năm 2008 đến nay, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh liên tục giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương. Nhiều năm liên tục trên địa bàn tỉnh không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài. Sơ kết công tác trật tự an toàn giao thông quý I năm 2012 toàn quốc, tỉnh Ninh Bình được Chính phủ khen là một trong các tỉnh giảm thiểu được TNGT và ùn tắc giao thông.
Xác định rõ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT là giải pháp hàng đầu nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho mọi người khi tham gia giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TTATGT theo nội dung Nghị quyết 32/2007/NQ-CP. Đặc biệt, các cơ quan thông tin đại chúng đã phối hợp với Công an tỉnh duy trì chuyên mục ATGT để phát sóng, đăng tải. Phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, ngành Giáo dục - Đào tạo... tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về ATGT, thu hút hàng vạn đối tượng tham gia. Tổ chức các chương trình giáo dục, phổ biến pháp luật về TTATGT tại các doanh nghiệp vận tải thủy, bộ trên địa bàn cho cán bộ quản lý, lái tàu, lái xe, người làm vận tải thủy và hành nghề trên sông. Thực hiện thông báo về cơ quan, trường học, phường, xã 6.340 trường hợp người vi phạm pháp luật về TTATGT để kiểm điểm, giáo dục.
Công tác cưỡng chế thi hành luật đối với các vi phạm về trật tự an toàn giao thông được thực hiện cương quyết. Từ năm 2008 đến tháng 3-2011, các lực lượng chức năng đã lập biên bản 166.648 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 42 tỷ đồng, tạm giữ 23.779 phương tiện vi phạm (trong đó có 1.420 ô tô, 22.131 mô tô và 38 xe diện đình chỉ); đánh dấu 320 giấy phép lái xe, tước 2.336 giấy phép lái xe. Cho đến nay, về cơ bản, việc đình chỉ các xe ô tô hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, các cơ sở tự chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa đã được giải quyết.
Kết cấu hạ tầng giao thông được tăng cường, chất lượng phương tiện được quan tâm
UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GTVT cùng các cơ quan chuyên môn căn cứ vào chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và dự báo nhu cầu đi lại của nhân dân để nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông như: Quy hoạch mạng lưới bến xe, mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy nội địa đến năm 2020; Chiến lược bảo đảm TTATGT tầm nhìn đến năm 2030.
Phối hợp với Bộ GTVT xác định cụ thể các điểm đấu nối từ các đường nhánh vào các tuyến giao thông huyết mạch để không phát sinh thêm các "điểm đen" giao thông.
UBND tỉnh còn chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tốt hệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, gồm: 110 km đường quốc lộ đi qua tỉnh; 216 km đường tỉnh; 312 km đường huyện, 2.010 km đường xã, liên xã; 157 km đường sông do Trung ương quản lý; 222 km đường thủy nội do địa phương quản lý.
Hàng năm, tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn kinh phí để đầu tư cải tạo, xây dựng mới các tuyến đường bộ, đường sông do tỉnh quản lý để đảm bảo giao thông thông suốt. Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông thường xuyên kiểm tra và hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đường sông, các vị trí xung yếu, ta-luy đường có nguy cơ sạt lở, gây mất an toàn giao thông trên các tuyến, đảm bảo ATGT trên các tuyến giao thông có đường xấu, cầu yếu; tổ chức phát quang cây cối, giải tỏa vật chắn tầm nhìn giao thông. Tổ chức duy tu, sửa chữa thường xuyên công trình giao thông. Đến nay đã tổ chức cắm cọc mốc lộ giới cho tất cả các tuyến đường thuộc tỉnh quản lý, thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo ATGT trên các tuyến có cầu yếu như: ĐT 481B, ĐT481C, ĐT481D, QL12B, ĐT481…
Cùng với các việc làm trên, Sở GTVT siết chặt quản lý nhà nước về chất lượng phương tiện giao thông theo quy định của pháp luật. Tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, chấn chỉnh công tác kiểm định chất lượng kỹ thuật và môi trường phương tiện giao thông thủy, bộ nhằm đưa ra hoạt động giao thông những phương tiện tốt, đảm bảo an toàn. Tỷ lệ xe vào kiểm định được cấp phép lưu hành hàng năm đạt trung bình 85%.
Nhằm giảm các phương tiện cá nhân tham gia giao thông, ngành GTVT đã đưa vào hoạt động ổn định 3 tuyến xe búyt (Ninh Bình - Lai Thành; Ninh Bình - Cúc Phương; Ninh Bình - Tam Điệp) phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần bảo đảm ATGT.
Về đường thủy nội địa, các bến đò, đò chở khách trên địa bàn đã được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ. Đến nay, hầu hết số đò chở khách được đăng ký, đăng kiểm và trang bị đầy đủ áo phao. Các đò chèo tay phục vụ du khách tham quan đã được Ban quản lý Khu du lịch phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền sở tại quản lý chặt chẽ.
Hiện, Ban ATGT tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các ngành, các cấp thực hiện tốt kế hoạch của Năm an toàn giao thông 2012, giảm thiểu số vụ, số người chết và bị thương do TNGT gây ra; không để xảy ra ùn tắc giao thông trên các tuyến đường.
Bài, ảnh: Trần Dũng