Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Thị Hoàng Mai, Phó Tổng thư ký Ủy ban Di sản UNESCO Việt Nam; Tiến sỹ Lê Anh Dũng, Viện quy hoạch Đô thị và Nông thôn; Đinh Hoàng Dũng, TVTU, Giám đốc Công an tỉnh; Mai Văn Tuất, TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, Trưởng Công an, Phòng Văn hóa, Phòng Công thương, Phòng Tài nguyên môi trường các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Ninh Bình, Tam Điệp; đại diện lãnh đạo chính quyền, đoàn thể các xã, phường và một số doanh nghiệp đứng chân trong vùng di sản.
Các đại biểu dự hội nghị nghe đánh giá công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản; giới thiệu Kế hoạch Quản lý Di sản theo Quyết định 1261/ QĐ-UBND ngày 16/11/2015 của UBND tỉnh; giới thiệu Quyết định số 83/QĐ-UBND ngày 21/1/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế tạm thời về quản lý xây dựng trong vùng bảo vệ Quần thể Danh thắng Tràng An.
Đồng thời nghe Tiến sỹ Lê Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch 3 (Viện quy hoạch Đô thị và Nông thôn) giới thiệu và trình bày Quy hoạch chung xây dựng Quần thể Danh thắng Tràng An theo Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Hội nghị cũng nghe nhiều ý kiến, tham luận đóng góp về công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản của đại biểu lãnh đạo huyện Hoa Lư, xã Trường Yên, doanh nghiệp du lịch Ngôi Sao...
Đồng chí Trần Thị Hoàng Mai, Phó Tổng thư ký Ủy ban Di sản UNESCO Việt Nam ghi nhận sự nỗ lực của các cấp ngành trong tỉnh, Ban Quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An, các địa phương và doanh nghiệp trong việc tích cực triển khai thực hiệnnghiêm các yêu cầu khuyến nghị của UNESCO trong thời gian qua.
Phó Tổng thư ký Ủy ban Di sản UNESCO Việt Nam cũng nhấn mạnh việc đầu tư, khai thác du lịch phải gắn với bảo tồn và phát huy giá trị và tính đến sự bền vững, vì đạt được danh hiệu di sản thế giới với những giá trị nổi bật toàn cầu như Tràng An là hiếm có trong khu vực và thế giới. Trước những tác động mạnh của xã hội, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương ở Ninh Bình phải có những chính sách, hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng xâm lấn, xâm hại đến di sản.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Ban chỉ đạo nêu rõ: Quần thể Danh thắng Tràng An có vai trò và tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển du lịch của Ninh Bình nói riêng và của cả nước nói chung, bởi đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Danh hiệu di sản góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực. Di sản Thế giới không chỉ là danh hiệu mà điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội mới về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập...
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các Sở, ban, ngành; Ban Quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An; UBND các huyện, thành phố, các xã, phường; các đơn vị có liên quan trong khu di sản đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, khuyến nghị của UNESCO và sự chỉ đạo của UBND về quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Tràng An còn một số tồn tại, hạn chế.
Đồng chí Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố các xã, phường, đặc biệt là Ban Quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, tập trung làm tốt các nhiệm vụ: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với Di sản; quán triệt và thực hiện một cách đồng bộ, nghiêm túc các quy định của UBND tỉnh trong quản lý, bảo tồn khai thác và phát huy giá trị di sản; Quy hoạch chung xây dựng Tràng An; Công ước Di sản Thế giới và các yêu cầu, khuyến nghị của UNESCO.
Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo bảo vệ di sản ở mức cao nhất, đặc biệt là quản lý, bảo vệ các di tích khảo cổ, công trình văn hóa, quản lý phát triển các hoạt động du lịch và quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, dịch vụ, quảng cáo trong khu di sản.
UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An chủ trì phối hợp với các Sở: Tài chính, Tài nguyên- Môi trường khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện việc xác định tọa độ, điểm góc, cắm mốc phân định ranh giới vùng lõi và vùng đệm của di sản.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu được ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của danh hiệu Di sản Thế giới, đồng thời khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước để từ đó có những hành động đúng đắn cùng chung tay giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững.
Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cả về chuyên môn và ngoại ngữ phục vụ nghiên cứu và quản lý di sản. Tăng cường hợp tác với các Viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước và quốc tế tổ chức nghiên cứu, xuất bản các công trình về khảo cổ học, địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ di sản.
Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, các sự kiện văn hóa, du lịch, hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước để tăng cường thông tin tuyên truyền quảng bá, giới thiệu hình ảnh, cá giá trị nổi bật toàn cầu của di sản cũng nhưng các sản phẩm du lịch mới độc đáo hấp dẫn thu hút du khách đến di sản.
Cũng tại hội nghị, Ban Quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An thông qua Kế hoạch phối hợp quản lý, bảo vệ di sản, đồng thời tổ chức lễ ký cam kết thực hiện giữa các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Minh Đường-Đức lam