Xuất phát từ các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2008, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã rất coi trọng việc xây dựng tại Gián Khẩu một đô thị mới, nhằm tạo ra một trọng tâm kinh tế, xã hội không chỉ của huyện Gia Viễn mà còn có vai trò và tầm quan trọng đối với cả tỉnh Ninh Bình.
Nơi đây có quỹ đất dồi dào, nguồn nước sạch phong phú, dân cư đông đúc. Hơn thế, tại địa bàn đã có cơ sở kinh tế phát triển, nhất là khu công nghiệp Gián Khẩu và các ngành nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống của các xã Gia Trấn, Gia Xuân, Gia Tân, Gia Thanh, Gia Lập; lại có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, gắn kết khá thuận lợi với khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, vườn Quốc gia Cúc Phương, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, khu du lịch tâm linh Bái Đính, khu suối nước nóng Kênh Gà... cho phép khẳng định Gián Khẩu là một địa điểm lý tưởng, hội tụ các điều kiện thuận lợi để xây dựng thành một đô thị mới sinh thái kiêm kinh tế theo định hướng phát triển bền vững trong tương lai.
Để chủ động trong việc thu hút đầu tư, quản lý xây dựng theo quy hoạch, đảm bảo các cơ sở và điều kiện cho sự phát triển bền vững của đô thị Gián Khẩu, UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, tổ chức lập quy hoạch chung đô thị Gián Khẩu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện nay, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Đại Á Đông - đơn vị tư vấn quy hoạch - đã đề xuất 2 phương án quy hoạch: Phương án 1 phạm vi gồm 4 xã Gia Xuân, Gia Trấn, Gia Tân, Gia Lập và một phần xã Gia Thanh với tổng diện tích tự nhiên trên 3.200 ha, dân số hơn 30.500 người; Phương án 2 phạm vi gồm 5 xã Gia Lập, Gia Thanh, Gia Tân, Gia Xuân và Gia Trấn với tổng diện tích tự nhiên khoảng 3.500 ha, dân số gần 33.200 người.
Qua so sánh, phương án 2 có nhiều ưu điểm hơn, đặt biệt là vấn đề quản lý hành chính gắn với quản lý xây dựng. Vì vậy, đơn vị tư vấn kiến nghị lựa chọn phương án 2 làm phương án quy hoạch. Theo đó, đô thị Gián Khẩu sẽ đạt tiêu chuẩn đô thị loại V vào năm 2020 và là đô thị loại IV vào năm 2035, tầm nhìn 2050, làm cơ sở hình thành thị xã Gián Khẩu trong tương lai.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ra một số điểm chưa hợp lý đồng thời đóng góp ý kiến cho đề xuất quy hoạch của đơn vị tư vấn.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, điều chỉnh phương án quy hoạch để Gián Khẩu cơ bản là khu đô thị loại IV vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đồng bộ việc quy hoạch các khu đô thị khác trong toàn tỉnh theo một giai đoạn nhất định.
Đồng chí cũng nhấn mạnh: Đô thị Gián Khẩu sẽ là đầu mối về giao thông phía Bắc, là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Gia Viễn. Vì vậy, cần tập trung nghiên cứu phạm vi của đô thị sao cho phù hợp, tham khảo kỹ các phương án xây dựng đường giao thông đô thị, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.
Hơn hết, cần có dự báo chi tiết, cụ thể về quy hoạch vùng phụ trợ phục vụ dịch vụ sản xuất ô tô, quỹ đất xây dựng nhà ở thương mại và nhà ở xã hội cho công nhân làm việc lại khu công nghiệp. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao cho đơn vị tư vấn tiếp thu toàn bộ ý kiến góp ý của các đại biểu, sửa đổi và bổ sung vào bản quy hoạch.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe chuyên viên của 2 đơn vị tư vấn quy hoạch phân khu Bái Đính và phân khu phía Nam (TP Ninh Bình) trình bày ý kiến tiếp thu và giải trình những thắc mắc của các đại biểu trong phiên họp thẩm định các đồ án trên vào ngày 23/3 do UBND tỉnh tổ chức. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phía đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi một số điểm trong đề án, ví dụ như di rời quy hoạch một số điểm công nghiệp ra xa bờ sông Đáy nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường... Phía đơn vị tư vấn cần nỗ lực hoàn chỉnh quy hoạch, trình UBND xem xét.
Thái Học-Minh Quang