Còn theo ghi nhận của chúng tôi, xung quanh việc Nghị định 18 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, đa số người dân cho rằng đây là một chủ trương đúng của Nhà nước, song có không ít ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của cách thức thu phí đối với xe mô tô, về hiện tượng được cho là "phí chồng phí"… Trong bài viết này, chúng tôi mong muốn gửi đến độc giả góc nhìn đầy đủ hơn về việc triển khai Nghị định 18 với những giải đáp của cơ quan chức năng trước những vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ Quỹ Bảo trì đường bộ
Ngày 13-3-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 18/2012/NĐ-CP về Quỹ Bảo trì đường bộ. Trong đó quy định, Quỹ được hình thành từ phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông và từ một số nguồn khác. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với mô tô tại địa phương nào bổ sung vào Quỹ của địa phương đó. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với ô tô phân chia cho Quỹ trung ương 65%, cho các Quỹ địa phương 35%. Quỹ trung ương được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống quốc lộ; Quỹ địa phương được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống đường bộ địa phương, do địa phương chịu trách nhiệm bảo trì, quản lý theo phân cấp của HĐND cấp tỉnh.
Còn theo Thông tư 197 của Bộ Tài chính về thu và sử dụng phí đường bộ theo đầu phương tiện, mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô thu từ 130.000 đồng đến 1.040.000 đồng/tháng (tùy theo tải trọng của xe, xe có tải trọng càng nặng, mức thu càng lớn). UBND cấp tỉnh quy định cụ thể mức thu phí đối với xe mô tô trên địa bàn trong khung mức thu do Bộ Tài chính quy định. Tờ khai phí sử dụng đường bộ sẽ được tổ dân phố (thôn) gửi đến từng nhà để thống kê lượng xe máy mà họ có.
Trao đổi với chúng tôi về sự cần thiết của việc hình thành Quỹ Bảo trì đường bộ, ông Phạm Minh Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết: Thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm bố trí vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, tuy nhiên nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng được gần 40% nhu cầu quản lý, bảo trì đối với hệ thống quốc lộ và khoảng 20-30% nhu cầu quản lý, bảo trì đối với hệ thống đường bộ địa phương trong khi kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn cần được bảo trì để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của mỗi cấp đường, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân. Sau nhiều năm không được bố trí vốn đầy đủ, chất lượng nhiều tuyến đường huyết mạch, trong đó có cả Quốc lộ 1 đã xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn cho người tham giao thông.
Còn trên địa bàn tỉnh ta, trong năm vừa qua ngân sách của tỉnh dành cho công tác bảo trì đường bộ là 15,5 tỷ đồng/165 km đường cấp tỉnh. Cùng với đó, ngành Giao thông của tỉnh cũng đã triển khai các giải pháp sử dụng nguồn ngân sách này một cách tiết kiệm, hiệu quả như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng nguồn ngân sách; tăng cường giám sát thi công; đưa một số công nghệ mới, tiên tiến vào quá trình thực tiễn thi công... Tuy nhiên, những nỗ lực đó của tỉnh và các cơ quan chức năng cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế của công tác bảo trì, sửa chữa đường bộ. Còn đối với các tuyến đường cấp huyện, thành, thị, nguồn ngân sách của địa phương chi cho việc bảo trì đường bộ là rất hạn chế, thậm chí ở nhiều nơi gần như không có.
Vì vậy, việc thu phí qua đầu phương tiện theo Nghị định 18 và Thông tư 197 là phù hợp để hình thành vốn cho Quỹ Bảo trì đường bộ. Đó là yêu cầu cấp bách, là đòi hỏi khách quan bảo đảm sự công bằng trong xã hội và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Ông Phạm Minh Cường cho biết thêm, theo báo cáo "Đánh giá tác động của Nghị định về Quỹ Bảo trì đường bộ" của Bộ Giao thông-Vận tải, khi Quỹ đi vào hoạt động, chất lượng đường sá sẽ tốt lên, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường do khói bụi phương tiện và đường sá, giảm một số chi phí trong giá thành vận tải (mức tiêu hao nhiên liệu, phụ tùng, sửa chữa phương tiện), tốc độ lưu thông phương tiện tăng lên. Do đó, Quỹ Bảo trì đường bộ sẽ đem lại hiệu quả cao hơn cho vận tải đường bộ nói riêng và nền kinh tế nói chung. Riêng chi phí cho phương tiện vận tải, theo kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế, sẽ giảm 4,5%.
Một nội dung tích cực kèm theo, đó là người dân, khi trực tiếp bỏ tiền ra cho công tác bảo trì đường sá, sẽ quan tâm hơn đến việc giám sát chất lượng quản lý xây dựng và sửa chữa, bảo dưỡng các tuyến đường.
Vẫn còn những băn khoăn
Có thể thấy, đa số ý kiến của người dân cho rằng chủ trương thu và sử dụng phí đường bộ theo đầu phương tiện để hình thành Quỹ bảo trì đường bộ là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, để chủ trương này được triển khai hiệu quả trong thực tế thì vẫn còn một số vấn đề cần được các cơ quan chức năng quan tâm, xem xét thêm.
Ông Trần Quang Nhương, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh cho biết: Các thành viên trong Hiệp hội đều nhận thức việc thu phí bảo trì đường bộ là một yêu cầu tất yếu, qua đó cũng sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho chủ phương tiện tham gia giao thông. Nhưng cách thu theo đầu phương tiện chưa thực sự đảm bảo công bằng so với việc thu phí qua xăng dầu bởi xe chạy nhiều cũng phải đóng phí như xe chạy ít. Thêm vào đó, có những xe phải nghỉ để đại tu, sửa chữa, thời gian có thể kéo dài cả tháng đến vài tháng (chờ mua và tìm kiếm các thiết bị thay thế) nhưng vẫn phải nộp phí. Các chủ phương tiện cho rằng, thu như vậy chưa thật sự thỏa đáng.
Ông Trương Văn Từ, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Ninh Bình lại khẳng định: Đây là quy định của Nhà nước, vì vậy chúng tôi sẽ nghiêm chỉnh chấp hành. Nhưng chúng tôi mong muốn Nhà nước xem xét chấm dứt hoạt động của các trạm thu phí đường bộ để tránh hiện tượng "phí chồng phí". Ông Dương Đức Việt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Ninh Bình cho biết: Hiện tại, Công ty đã đóng phí cho 29 xe (những xe đã đến thời điểm đăng kiểm) trong tổng số hơn 200 đầu xe của Công ty và chưa có kế hoạch tăng giá cước taxi do việc thu phí sử dụng đường bộ, song nếu hiện tượng "phí chồng phí" không được giải quyết một cách triệt để thì Công ty có thể phải tính đến khả năng điều chỉnh giá cước taxi.
Cũng theo Thông tư 197, phương thức thu phí đối với xe ô tô, sẽ thu qua cơ quan đăng kiểm thu tương ứng chu kỳ đăng kiểm; đối với xe máy, sẽ thu qua bộ máy hành chính của các phường, xã do UBND các tỉnh quy định. UBND các xã, phường, thị trấn triển khai việc thu phí xuống các tổ dân phố, khu dân cư. Lực lượng này sẽ gõ cửa từng nhà để phát phiếu, yêu cầu người dân kê khai và tổ chức thu phí. Việc thu phí sử dụng đường bộ cũng giống như thu các loại thuế, phí khác mà lực lượng này đang thực hiện.
Ông Vũ Văn Vụ, trưởng thôn Yên Cư 3, xã Khánh Cư (Yên Khánh) tỏ ý băn khoăn về nhiệm vụ "gõ cửa từng nhà để kê khai và thu phí" theo thông tư của Bộ Tài chính: Trước nay, cán bộ thôn, xóm chỉ chủ yếu đi thu tiền theo kiểu vận động, dựa trên tinh thần tự nguyện. Bây giờ phải đi thu phí sử dụng đường bộ kiểu này sợ là sẽ gặp không ít khó khăn. Chưa kể, nếu người dân không muốn tiếp mà đóng cửa hoặc nói chưa có tiền thì chúng tôi chẳng làm gì được vì theo tôi được biết hiện tại chế tài xử lý cũng chưa rõ ràng.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện, người lái (Sở Giao thông-Vận tải) cũng cho rằng, việc giao cho các tổ trưởng dân phố (thôn) thu phí đối với xe mô tô chưa thực sự hợp lý vì họ vừa không có chuyên môn, vừa không đúng chức năng, nhiệm vụ, dễ xảy ra va chạm, gây bức xúc trong nhân dân. Đó là chưa kể đến việc phải huy động một lực lượng người rất lớn ngày này qua ngày khác thực hiện nhiệm vụ, tổng thể sẽ gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước. Cá nhân ông Tuấn nghiêng về giải pháp thu phí bảo trì đường bộ qua giá xăng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, xung quanh việc triển khai Nghị định 18, còn rất nhiều ý kiến đóng góp khác nhau với cùng một mong muốn nhằm đảm bảo sự công bằng, hợp lý trong cách thu, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Tiếp tục tham mưu, đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả Nghị định 18
Mặc dù còn có những kiến nghị, đề xuất đối với việc triển khai Nghị định 18 song từ ngày 1-1-2013, việc thu phí bảo trì đường bộ đã chính thức được thực hiện tại các địa phương. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lùi thời gian thu phí 7 tháng, từ 1-6-2012.
Có mặt tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông-Vận tải), chúng tôi nhận thấy việc thu phí đang diễn ra khá thuận lợi. Được biết, để phục vụ cho công tác này, Trung tâm đã đầu tư thêm các máy móc, thiết bị, phần mềm quản lý, đồng thời niêm yết các tài liệu hướng dẫn tại phòng tiếp dân để các chủ phương tiện hiểu rõ thêm về nội dung, mục đích, ý nghĩa thu phí bảo trì đường bộ. Về nghiệp vụ thu phí, Trung tâm đã cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng từ trước khi triển khai Nghị định 18.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới cho biết: Tính đến ngày 16-1-2013, 100% xe cơ giới đến kiểm định đều chấp hành nghiêm túc việc nộp phí với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường việc tuyên truyền về thu phí bảo trì đường bộ, đồng thời tích cực tiến hành cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các chủ phương tiện đến kiểm định và nộp phí.
Trên thực tế, việc thu phí đối với xe ô tô tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới diễn ra tương đối thuận lợi, không xảy ra ách tắc; việc thu phí đối với xe mô tô các loại cũng đang được các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai nhưng mức thu theo quy định vẫn đang đợi HĐND tỉnh thông qua. Thời gian này, công tác thông tin tuyên truyền về Nghị định 18 tới các tầng lớp nhân dân đang tích cực được triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, theo đó, Sở Giao thông-Vận tải sẵn sàng giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của người dân địa phương liên quan tới công tác này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Sở.
Ông Phạm Minh Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết: Với một số ý kiến cho rằng, việc thu phí qua đầu phương tiện chưa thực sự đảm bảo công bằng, quan điểm của ngành Giao thông-Vận tải là mong muốn nhận được sự chia sẻ của nhân dân bởi phương thức thu phí nào cũng có những tồn tại nhất định của nó. Thu theo đầu phương tiện có thể chưa phản ánh chính xác tuyệt đối việc người sử dụng phương tiện nhiều, ít; phương tiện kinh doanh có thể sử dụng đường nhiều hơn phương tiện phục vụ gia đình. Tuy nhiên, cũng phải chấp nhận vì sự công bằng chỉ là tương đối, sẽ có chia sẻ giữa người này, người kia để cùng đóng góp chung cho việc bảo trì đường bộ.
Về vấn đề xử lý các trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ hiện nay khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, theo thông tin từ Bộ Giao thông-Vận tải, các trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước được xóa bỏ, các trạm đang chuyển quyền thu phí cũng sẽ dừng hoạt động khi hết hạn hợp đồng, còn các trạm thu phí công trình BOT vẫn sẽ giữ nguyên vì đó là hình thức thu hút vốn đầu tư. Các cơ quan chức năng cũng đang xem xét báo cáo Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Tài chính để giải quyết triệt để hiện tượng được cho là "phí chồng phí".
Để thực hiện có hiệu quả Nghị định 18 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Minh Cường cho biết: Thời gian tới, Sở Giao thông-Vận tải tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân, nhất là các chủ phương tiện cơ giới, xe mô tô về nội dung, ý nghĩa, mục đích của Quỹ Bảo trì đường bộ. Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho HĐND và UBND tỉnh về mức thu phí đối với xe mô tô phù hợp với điều kiện của địa phương.
Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức thu phí phương tiện cơ giới, mô tô đúng theo mức được HĐND quyết định. Tham gia điều hành Quỹ bảo trì đường bộ của địa phương về thu, chi đúng theo quyết định của UBND tỉnh về thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ.
Duy Hiền