Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay qua giám sát ghi nhận 30 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi. Trong đó có 9 ca dương tính với sởi được điều trị tại Bệnh viện Sản- nhi và Bệnh viện quân y 5 đều đã khỏi bệnh và xuất viện. Cả 9/9 ca bệnh đều chưa tiêm phòng vacxin sởi, trên địa bàn tỉnh chưa có dịch sởi. Để phòng chống bệnh sởi, ngành y tế đã tập trung triển khai các nội dung: tổ chức tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu về bệnh sởi, nguồn lây cũng như các biện pháp phòng, chống; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã; giám sát bệnh sởi hàng tuần cùng với hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ tỉnh, huyện đến xã, phường; tổ chức chiến dịch tiêm vét vacxin sởi trên địa bàn tỉnh... Tuy nhiên, kết quả tiêm vét vacxin sởi đợt 1 (tháng 3-2014) toàn tỉnh mới đạt 57,4%, trong đó có một số địa phương tỷ lệ đạt thấp như: thành phố Ninh Bình, Hoa Lư, thị xã Tam Điệp. Nguyên nhân do một số trẻ không đủ điều kiện tiêm chủng khi khám sàng lọc trước tiêm, tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh không muốn đưa con đi tiêm chủng do sợ tai biến xảy ra trong tiêm chủng...
Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa có dịch sởi, tuy nhiên trước tình hình dịch sởi đang bùng phát ở một số địa phương trong cả nước, công tác phòng chống bệnh sởi được ngành y tế quan tâm triển khai: Tăng cường công tác truyền thông về phòng chống bệnh sởi; Tiếp tục tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến huyện, xã về phòng chống bệnh sởi; Tổ chức chiến dịch tiêm vét vacxin sởi cho các đối tượng chưa được tiêm trong tháng 3, phấn đấu trên 95% đối tượng được tiêm, tạo miễn dịch bền vững trong cộng đồng để phòng chống dịch, bệnh sởi; Duy trì hệ thống giám sát, phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương chẩn đoán xác định; Duy trì công tác chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tại Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, Bệnh viện Sản- nhi, đáp ứng điều trị trường hợp bệnh và khi dịch bùng phát...
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo Sở Y tế và một số đơn vị có liên quan làm rõ những nguyên nhân dẫn đến kết quả tiêm vét vacxin sởi đạt chưa cao, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền một số địa phương trong phòng chống dịch bệnh còn hạn chế…, đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh ở người của tỉnh đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm triển khai trong thời gian tới.
Đồng chí nêu rõ, trong những năm qua công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ta được thực hiện khá tốt, công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho khám chữa bệnh và tiêm phòng được chú trọng. Tuy nhiên, trước nguy cơ diễn biến của dịch bệnh nói chung và bệnh sởi nói riêng hiện nay còn nhiều phức tạp, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phòng chống dịch bệnh hơn nữa.
Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân nắm được đầy đủ thông tin về tình hình bệnh dịch và cách phòng chống. Có nhiều giải pháp tích cực hơn như vừa kết hợp tiêm định kỳ, vừa có giải pháp tiêm riêng cho bệnh sởi để đạt tỷ lệ ít nhất 95% trở lên số trẻ trong độ tuổi. Đối với những địa phương có tỷ lệ tiêm thấp, cần kiểm tra nắm rõ nguyên nhân, từ đó có kế hoạch tiêm bổ sung. Phát hiện kịp thời và điều trị đúng phác đồ, đồng thời có giải pháp chống lây nhiễm chéo trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân.
Ngành y tế phải chủ động phối hợp, chỉ đạo từ tuyến xã để có sự tích cực vào cuộc hơn nữa trong công tác tiêm phòng và hạn chế tình trạng vượt tuyến. Đối với vấn đề kinh phí, ngành y tế chủ trì phối hợp Sở Tài chính lên kế hoạch dự trù để phục vụ cho công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp bồi dưỡng, công tác tiêm phòng cho trẻ…
Bùi Diệu