Dự hội nghị, đại diện Vụ Pháp chế - Thanh tra đã giới thiệu những nội dung chính trong Luật Thủy sản năm 2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4, ngày 21/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Luật gồm 9 chương, 105 điều, giảm 1 chương, tăng 43 điều so với Luật Thủy sản 2003 và cơ bản tên các chương, điều không thay đổi, có bổ sung một chương mới là chương Kiểm ngư.
Đồng thời nêu khái quát các nội dung cơ bản của Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Hội nghị tập trung làm rõ, giải thích các thuật ngữ mà Nghị định đã quy định, gồm: nuôi trồng thủy sản thâm canh, nuôi trồng thủy sản bán thâm canh, tuyến bờ, tuyến lộng, hệ thống giám sát tàu cá, thiết bị giám sát hành trình lắp trên tàu cá, chuyển tải thủy sản, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển, phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển, phân khu dịch vụ - hành chính của khu bảo tồn biển, vùng đệm của khu bảo tồn biển, tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản bất hợp pháp, khai thác thủy sản không báo cáo và khai thác thủy sản không theo quy định.
Để bám sát Luật Thủy sản năm 2017 khi triển khai và thực hiện sâu rộng, các đại biểu dự hội nghị cũng tìm hiểu Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo đó, Thông tư quy định về quy trình, hướng dẫn thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; trình tự, thủ tục lập, thẩm định dự án thành lập, nội dung quyết định thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh; hướng dẫn quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tiêu chí và ban hành Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản; Danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn; đánh dấu ngư cụ đang sử dụng tại ngư trường.
Tin, ảnh: Thái Học, Nguyễn Minh