Ở tỉnh ta, trong những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Nghị quyết số 04-NQ-TU ngày 24/10/2016 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2016-2020, các chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được tập trung triển khai và đạt kết quả tích cực.
Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo bình quân hàng năm giảm 1,81% (đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra). Dự tính hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2% và hộ cận nghèo còn 3%. Đây là kết quả đáng mừng, tuy nhiên, do việc hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước nên rất có thể còn những hộ "không muốn thoát nghèo", hoặc có những hộ "mong muốn là hộ nghèo".
Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cho việc rà soát, thu thập thông tin, đánh giá, phân tích hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình phải được thực hiện một cách chính xác, công khai, công bằng, dân chủ, khách quan. Nếu thiếu công bằng, trung thực sẽ là nguyên nhân gây nên bức xúc tại địa phương.
Để triển khai thực hiện làm tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình năm 2020, vừa qua, ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch số: 113/KH-UBND, trong đó yêu cầu việc rà soát hộ gia đình phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở; phải căn cứ tiêu chí của chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện hành; rà soát từ khu dân cư, trực tiếp đối với từng hộ gia đình; kế thừa các chỉ tiêu và kết quả đã sử dụng trong cuộc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình năm 2019.
Thực hiện đúng quy trình, phương pháp, đảm bảo tính chính xác theo nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ và có sự tham gia của người dân. Kết quả rà soát phải phản ánh đúng thực tế tình hình diễn biến hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình tại địa phương; tránh tình trạng chạy theo chỉ tiêu, thành tích, phản ảnh sai lệch thực tế về tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, không trùng lặp, bỏ sót đối tượng, tạo được sự đồng thuận của người dân.
Kết thúc cuộc rà soát, từng thôn, khu dân cư, xã, phường, thị trấn phải xác định được chính xác số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để theo dõi, quản lý. Các huyện, thành phố phải xác định được tỷ lệ hộ nghèo, nguyên nhân nghèo của địa phương mình.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng chỉ rõ các nội dung cụ thể như: Rà soát theo tiêu chí được quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Đối tượng rà soát là những hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại địa phương (không bao gồm những hộ có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng không sống tại địa phương từ 6 tháng trở lên) và những hộ gia đình đã đăng ký tạm trú tại địa phương từ 6 tháng trở lên.
Thực hiện ở mỗi thôn/xóm/tổ dân phố là một địa bàn rà soát tại 143/143 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Phương pháp rà soát thực hiện thông qua các phương pháp đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của gia đình.
Quy trình rà soát thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016- 2020; Thông tư số 14/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/9/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016.
Về thời gian thực hiện, ngay trong tháng 11/2020, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn nghiệp vụ rà soát cho đại diện phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố; các điều tra viên ở xã, phường, thị trấn và các thôn xóm, khu phố trên địa bàn tỉnh, sau đó tiến hành rà soát, niêm yết công khai kết quả rà soát tại cấp xã… và toàn tỉnh sẽ xong trước ngày 31/12/2020.
Công việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình năm 2020 là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, lại được tiến hành trong một thời gian không dài, liên quan đến tất cả các hộ gia đình, yêu cầu phải chính xác, khách quan và vào thời điểm cuối năm, công việc nhiều nên đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.
Đặc biệt là những người trực tiếp tham gia rà soát phải nắm vững đối tượng, quy trình, tiêu chí, phương pháp …theo hướng dẫn để có kết quả rà soát chính xác, phản ánh đúng thực trạng đời sống của nhân dân ở từng địa phương, làm cơ sở để cho cấp ủy, chính quyền các cấp có các biện pháp giảm nghèo một cách bền vững.
Nguyễn Đông