Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Ban của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Thường trực HĐND tỉnh, một số ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Hội Nông dân các huyện, thành phố và 50 hộ gia đình hội viên nông dân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên toàn tỉnh.
Chương trình kế hoạch nông dân nói không với thực phẩm bẩn giai đoạn 2016-2020 của Hội Nông dân tỉnh nêu rõ: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền VSATTP tại các huyện, thành phố và các cơ sở Hội; phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tạo dựng mô hình sản xuất thực phẩm sạch, tổ chức, giới thiệu địa chỉ nơi cung cấp các thực phẩm an toàn; tổ chức triển khai và ký cam kết giữa Hội cơ sở và 50 hộ gia đình, đại diện HTX được chọn làm điểm; tăng cường phối hợp các ngành kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện VSATTP sau khi ký cam kết; thành lập bộ phận tiếp nhận thông tin phản ánh của hội viên, nông dân về hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn...
Tại hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn, UVT.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao việc Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch công tác An toàn thực phẩm giai đoạn 2016- 2020…
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu ghi nhận và đánh giá cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội thời gian qua đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục kiến thức, phổ biến Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ người tiêu dùng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người quản lý, sản xuất, kinh doanh; phát động phong trào thực hiện các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
Hội Nông dân tỉnh cũng đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hàng năm có kế hoạch, giao chỉ tiêu thi đua về công tác tuyên truyền bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho từng đơn vị; linh hoạt trong việc tổ chức các hình thức tuyên truyền, vận động tới hộ gia đình nông dân không sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong trồng trọt, chăn nuôi; hướng dẫn hội viên nông dân áp dụng một số kỹ thuật mới trong trồng trọt và chăn nuôi để nâng cao chất lượng thực phẩm.
Những việc làm của Hội đã góp phần tạo chuyển biến về hành vi an toàn thực phẩm trong cán bộ, hội viên và nhân dân.
Trước tình hình vi phạm VSATTP đến mức báo động như hiện nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm và phải coi việc đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thường xuyên; hằng năm đưa tiêu chí về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm vào chỉ tiêu thi đua của các cấp Hội.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chi thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới"; triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "tăng cường sự lãnh đạo về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường".
Tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về sản xuất, kinh doanh, lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn. Vận động thành lập và duy trì hoạt động các Tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên nghành sản xuất, cung cấp thực phẩm sạch.
Tổ chức các lớp dạy nghề chăn nuôi, trồng rau an toàn, chế biến thực phẩm sạch; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm; cách lựa chọn, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi có trong danh mục được phép sử dụng.
Tập trung xây dựng mô hình "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn", phối hợp với các ngành chức năng xây dựng mô hình sản xuất an toàn, triển khai các hoạt động liên kết cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi "từ sản xuất đến tiêu dùng"; giúp đỡ, hỗ trợ nông dân đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá thực phẩm sạch. Các cấp Hội phải có những địa chỉ sản xuất thực phẩm an toàn để thông tin cho người tiêu dùng lựa chọn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, các cấp Hội cần đổi mới nội dung, phương pháp thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm, làm chuyển biến từ nhận thức đến hành vi của cán bộ, hội viên nông dân đối với vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tập trung tuyên truyền sâu rộng Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các quy định của pháp luật về xử lí vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về an toàn thực phẩm.
Phối hợp với các cơ quan báo chí, Đài PT-TH tỉnh, hệ thống truyền thanh 3 cấp tăng cường đưa tin, bài về những tập thể, cá nhân hội viên nông dân sản xuất, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn, những địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch, đồng thời phê phán kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Vận động các hộ gia đình hội viên, nông dân ký cam kết tham gia đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các cấp Hội tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Hội nông dân tỉnh đã vận động 50 hộ nông dân ký cam kết nói không với thực phẩm bẩn, dự kiến cấp huyện sẽ lựa chọn từ 160-200 hộ ký cam kết, và đến cuối năm 2016 sẽ có 100% hộ ký cam kết nói không với thực phẩm bẩn.
Các cấp Hội cần phát động phong trào nhân dân tự giám sát, chủ động phát hiện, đấu tranh với những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; coi công tác an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi cán bộ, hội viên nông dân.
Thường trực Tỉnh ủy giao cho Hội Nông dân tỉnh trên cơ sở kết quả triển khai kế hoạch và ký cam kết nói không với thực phẩm bẩn, sẽ nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án "Nông dân tham gia đảm bảo An toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020".
Tại hội nghị, đại diện Hội Nông dân các cấp, 50 hộ nông dân và hợp tác xã sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm trong tỉnh tiến hành ký cam kết thi đua và thực hiện: "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn" giai đoạn 2016- 2020.
Minh Đường-Đức Lam