Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; đại diện Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Phòng tư pháp các huyện, thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Sở Tư pháp triển khai kế hoạch của Chính phủ, của UBND tỉnh; nội dung, hình thức, đối tượng và thời gian lấy ý kiến nhân dân tham gia vào Dự thảo bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Theo đó, nội dung lấy ý kiến nhân dân bao gồm toàn bộ nội dung của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và một số vấn đề trọng tâm như: Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.
Việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; về chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn…
Các vấn đề trọng tâm khác về bảo vệ quyền con người, quyền công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tiếp tục thể chế hóa chính sách hình sự trong các Nghị quyết của Đảng, nhất là nghị quyết về cải cách tư pháp.
Việc lấy ý kiến của nhân dân tham gia vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được tổ chức thông qua các hình thức: góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; góp ý thông qua trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp: sotuphapninhbinh.gov.vn.
Đối tượng lấy ý kiến là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp, các hội, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thời gian lấy ý kiến tham gia bắt đầu từ ngày 10-8 và kết thúc vào ngày 10-9-2015.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Mai Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Bộ luật Hình sự là đạo luật lớn, phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng lớn, nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp để Bộ luật Hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Nhằm đảm bảo tiến độ lấy ý kiến nhân dân theo yêu cầu của Chính phủ và kế hoạch của Thường trực HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, đại diện Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, phòng tư pháp các huyện, thành phố tập trung nghiên cứu kỹ, bám sát kế hoạch của thường trực HĐND tỉnh, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch của sở, ngành, địa phương một cách cụ thể, chặt chẽ, khoa học; lựa chọn báo cáo viên có trình độ, năng lực để chuyển tải nội dung dự thảo Bộ luật; chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; trên cơ sở đó báo cáo kết quả lấy ý kiến đóng góp theo đúng yêu cầu, đạt chất lượng.
Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến phải đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; chú trọng công tác giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức của nhân dân để cùng tham gia đóng góp ý kiến.
Các cơ quan thông tấn, báo chí cần tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục đăng tải những nội dung, nhất là những điểm mới trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đồng thời phản ánh, đưa tin kịp thời những ý kiến đóng góp của nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Trần Dũng-Anh Tuấn