Khi chưa kịp tăng tốc để tận dụng cơ hội Năm Du lịch Quốc gia 2020 mà Ninh Bình được vinh dự đăng cai, quý I/2020, lượng khách du lịch đến Ninh Bình đã sụt giảm mạnh, chỉ đón được 1,238 triệu lượt khách; doanh thu du lịch đạt 687,3 tỷ đồng, giảm 52,1%. Thiệt hại về kinh tế là rất lớn, song Ninh Bình xác định rõ mục tiêu an toàn của người dân phải được đặt lên trên hết.
Những con số nêu trên là sự phản ánh của cơn "đại suy thoái" chưa từng có trong ngành du lịch nhiều năm trở lại đây. Khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc nới lỏng giãn cách xã hội và các khu, điểm du lịch được mở cửa trở lại đã mở ra con đường "hồi sinh" cho ngành du lịch.
Để tạo cơ sở cho sự "hồi sinh" này, tỉnh đã và đang đồng hành, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó với các thách thức. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động, tích cực nhằm biến thách thức thành cơ hội phát triển, tiếp tục giữ vững thương hiệu là vùng du lịch trọng điểm của quốc gia, điểm đến hấp dẫn của du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.
Ngành Du lịch Ninh Bình đã chuẩn bị rất kỹ việc tái hoạt động. Theo đó, ngành tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; tăng cường theo dõi, nắm bắt, giám sát chặt chẽ tình hình khách du lịch, đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn khách du lịch trong phòng, chống dịch tại các trạm hỗ trợ khách. Mặc dù đã có những hoạt động tái khởi động như tổ chức Tuần du lịch Ninh Bình với chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" nhưng thực tế du khách vẫn chưa mặn mà trở lại do có một phần tâm lý e ngại dịch bệnh.
Nhưng quan trọng hơn là do tình trạng sản xuất ngưng trệ, kinh tế khó khăn đã khiến nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không thể tổ chức cho công nhân, viên chức, người lao động đi du lịch như những năm trước. Ngoài ra, thời điểm mở cửa các khu, điểm du lịch của Ninh Bình đã bước sang đợt cao điểm của du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển và đồng thời là thời điểm học sinh trở lại trường học, nên nhiều gia đình sẽ khó sắp xếp các chuyến du lịch dài ngày…
Nguy cơ dịch bệnh vẫn còn cũng đồng nghĩa với khả năng nó còn gây ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Đồng thời, những khó khăn của cuộc sống cũng sẽ buộc nhiều người thắt chặt chi tiêu... Đó là những thách thức đặt ra cho Ninh Bình trên con đường "hồi sinh" ngành du lịch. Đương nhiên, nhìn vào những mặt tích cực, chúng ta vẫn có quyền lạc quan, tin tưởng vào sự phục hồi của ngành kinh tế quan trọng này sau đại dịch với những giải pháp đồng bộ, khoa học, vừa có tính thời điểm vừa có tính dài hơi.
Tuy nhiên, đó phải là cái nhìn lạc quan - khách quan và tỉnh táo. Bởi du lịch lúc này đang ở những bước khởi động chạy đà và đường chạy đang rất cần được bỏ các chướng ngại, nhằm tiếp sức cho các vận động viên, nhất là những doanh nghiệp có nội lực mạnh mẽ và sức đề kháng cao.
Để phục hồi ngành công nghiệp không khói sau đại dịch, trước hết, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh khi đón và phục vụ khách du lịch cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế đối với khách du lịch, cán bộ, nhân viên, hướng dẫn viên du lịch, người lao động tại đơn vị. Trong quá trình đón và phục vụ, yêu cầu du khách đo thân nhiệt, khai báo y tế, đeo khẩu trang; rửa tay khi lên, xuống phương tiện vận chuyển; thực hiện giãn cách giữa người với người tại các địa điểm tham quan để tránh tập trung đông người.
Các phương tiện vận chuyển phải đảm bảo các điều kiện an toàn cho hành khách theo hướng dẫn của ngành Giao thông. Các khu vui chơi giải trí, khu, điểm tham quan thực hiện các biện pháp khử trùng sau mỗi ngày hoạt động. Triển khai chương trình kích cầu du lịch sau dịch COVID - 19, trong đó tập trung vào thị trường khách nội địa.
Do đây là mùa thấp điểm của du lịch Ninh Bình nên cần tập trung đôn đốc các doanh nghiệp chỉnh trang lại cơ sở vật chất, củng cố lực lượng lao động và xây dựng các gói sản phẩm với giá khuyến mại hấp dẫn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm, cũng như đảm bảo các tiêu chí du lịch an toàn cho du khách để du lịch Ninh Bình luôn là điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách.
Bên cạnh đó cần điều chỉnh những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch để phù hợp với tình hình thực tế. ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch; triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho lao động du lịch qua hình thức online, xây dựng sản phẩm du lịch mới, triển khai từng bước công tác xúc tiến du lịch phù hợp với tình hình hiện nay…
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng cần tái cơ cấu lại tổ chức bộ máy, cách thức vận hành; chú trọng đến chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn lao động; nâng cao tinh thần đoàn kết, động viên, chia sẻ và giúp đỡ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Cần hợp tác thực hiện tốt hơn tam giác du lịch Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh để kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, cần có chính sách giảm thuế đất, tiền thuê sử dụng đất và cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế đất, tiền thuê đất 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh; có những khoản vay ưu đãi không lãi suất hoặc lãi suất thấp để có chi phí trả lương cho đội ngũ cán bộ công nhân viên trong ngành du lịch; triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí. Về lâu dài, cần chuẩn bị tốt các điều kiện để đón khách quốc tế khi Chính phủ cho phép.
Trong bối cảnh hiện tại, thế giới vẫn đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19, diễn biến dịch bệnh bên ngoài vẫn vô cùng phức tạp thì kích cầu du lịch nội địa hiện nay đang là giải pháp rất quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch. Tuy nhiên, kích cầu phải đi đôi với các biện pháp bảo đảm an toàn cho cả du khách và phía cung cấp các dịch vụ. Ninh Bình đã và đang lựa chọn những biện pháp kích cầu đúng, phù hợp với tình hình thực tế, hy vọng sẽ góp phần giúp cho du lịch hồi phục và dần lấy lại được đà tăng trưởng…
Bùi Quang