Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ngành chức năng, sự đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh.
Trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư với định hướng thu hút đầu tư đúng đắn, cùng với việc tập trung giải quyết các khâu trọng yếu về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và xây dựng hoàn thiện các quy hoạch, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án trong những năm qua đã và đang mang lại những kết quả tích cực.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 130 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng và có 75 dự án FDI đang hoạt động, với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Nhiều dự án đã hoàn thành giai đoạn đầu tư, đi vào sản xuất ổn định và từng bước mở rộng quy mô đầu tư như: Nhà máy lắp ráp ô tô của Tập đoàn Thành Công, Nhà máy sản xuất camera modul và linh kiện điện tử của Công ty TNHH Mcnex Vina...
Trong đó, nổi bật là Tập đoàn Thành Công ổn định sản xuất và mở rộng, nâng công suất lắp ráp của nhà máy lắp ráp ô tô lên 80.000 xe/năm và đầu tư xây dựng mới Nhà máy HTMV số 2 công suất 100.000 xe/năm, đưa sản phẩm ô tô trở thành sản phẩm chủ lực chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng GTSX ngành công nghiệp (chiếm 27%) và đóng góp khoảng 70% thu ngân sách của tỉnh. Đưa Ninh Bình cùng với Quảng Nam và thành phố Hải Phòng trở thành 3 trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như: Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch còn hạn chế; nguồn lực đầu tư công chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, một số công trình trọng điểm và ở các địa bàn khó khăn, một số công trình chưa được đầu tư nâng cấp theo mục tiêu quy hoạch, kế hoạch; tiến độ bố trí vốn chưa đáp ứng được tiến độ triển khai thực hiện và đảm bảo thời gian thực hiện theo quy định; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án lớn, trọng điểm còn chậm... Nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên do hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất nhất là vốn, công nghệ còn hạn chế; chưa tập trung cao độ để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược mới, nhất là về đầu tư phát triển du lịch; nguồn vốn đầu tư công bị cắt giảm mạnh so với giai đoạn trước, nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm bị dừng, giãn hoãn tiến độ...
Trong điều kiện Ninh Bình là một tỉnh có diện tích nhỏ, quỹ đất dành cho xúc tiến thu hút đầu tư và phát triển giới hạn, bởi các vùng di sản, rừng quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện có tương đối cao, sức canh tranh giữa các vùng miền và địa phương rất lớn, để tránh nguy cơ tụt hậu, đảm bảo duy trì đà tăng trưởng cao, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư.
Trước hết, tập trung thực hiện tốt việc lập Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở hoạch định, kiến tạo động lực và không gian phát triển; xây dựng các cơ chế chính sách quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội để tạo bước đột phá mới, đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, nhất là trong định hướng, thu hút và dẫn dắt các nguồn lực đầu tư phát triển của khu vực ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tập trung rà soát, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính gắn với tăng cường công khai, minh bạch trong việc giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao. Chú trọng phát triển mạnh các thành phần kinh tế nhất là kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Quan tâm đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là trong công tác quản lý và sản xuất kinh doanh. Xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.
Tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thành các dự án có quy mô lớn, sớm đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả dự án nhất một số công trình, dự án hạ tầng giao thông đường bộ kết nối vùng, liên vùng với các tuyến trục chính nhằm mở rộng không gian phát triển; các công trình thiết chế văn hóa, xã hội, tạo điểm nhấn không gian đô thị; các công trình, dự án đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt bão, ứng phó biến đổi khí hậu. Tập trung thu hút đầu tư các dự án ứng dụng công nghê cao, công nghệ sạch tạo ra giá trị gia tăng lớn trong sản xuất và nộp ngân sách cao, góp phần tạo sức lan tỏa rộng, sức bật lớn trong tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. C
ần đặc biệt quan tâm thu hút các nhà đầu tư chiến lược cho phát triển du lịch, dần đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh, xứng đáng là trung tâm du lịch của quốc gia. Chuyển mạnh từ hình thức mời gọi đầu tư từ "tỉnh có" sang "nhà đầu tư cần" và tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong xúc tiến đầu tư. Duy trì và phát triển có chiều sâu các mối quan hệ quốc tế đã thiết lập và mở rộng quan hệ đối ngoại với một số nước như Nhật Bản, Hàn quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu để vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch và đảm bảo về chất lượng, hiệu quả đầu tư…
Bùi Quang