PV: Xin đồng chí cho biết công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã đạt được kết quả như thế nào? Đ/c Lê Trọng Thành: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 109 vụ TNGT làm 26 người chết, 91 người bị thương, không có TNGT đặc biệt nghiêm trọng nào; so với cùng kỳ năm 2014 giảm 12 vụ, 10 người chết và 2 người bị thương. Để có được kết quả này là do công tác đảm bảo TTATGT trong suốt thời gian qua đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.
Ngay từ đầu năm, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, phối hợp tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo TTATGT. Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đổi mới phương thức tuyên truyền, tăng cường thời lượng phát sóng các phóng sự, thông điệp tuyên truyền về ATGT, đặc biệt là thông điệp về phòng tránh tai nạn giao thông... góp phần nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông.
Đặc biệt, Ban đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường thực hiện công tác cưỡng chế thi hành pháp luật qua các đợt hoạt động cao điểm liên tiếp, áp dụng hiệu quả thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, huy động được nhiều lực lượng cùng tham gia, tập trung nhiều biện pháp mạnh để giải quyết từng chuyên đề cụ thể, thích hợp với từng giai đoạn, nhất là các thời điểm lễ, Tết, mùa du lịch.
Từ đầu năm đến nay, tiến hành lập biên bản và xử lý 34.682 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 25 tỷ đồng; tạm giữ 7.062 lượt phương tiện các loại; tước giấy phép lái xe 1.978 trường hợp; xử lý 13.914 trường hợp không đội mũ bảo hiểm đối với giao thông đường bộ. Trên đường thủy, đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 404 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 180 triệu đồng. Trên đường sắt đã kiểm tra lập biên bản xử phạt 30 trường hợp, phạt tiền trên 20 triệu đồng.
Đồng thời duy trì hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động theo chế độ 24h/ngày và 7 ngày/tuần theo quy định. 8 tháng năm 2015, lực lượng chức năng tại trạm cân lưu động đã tiến hành kiểm tra trên 10.000 lượt xe, lập biên bản xử lý gần 500 xe vi phạm với tổng số tiền phạt là gần 2 tỷ đồng, tước GPLX gần 300 trường hợp.
Song song với đó, lực lượng thanh tra giao thông cũng phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát việc đảm bảo TTATGT, đặc biệt là việc kiểm tra chấn chỉnh hoạt động vận tải tại các bến xe khách, phát hiện kiến nghị xử lý các khiếm khuyết về hạ tầng giao thông và xử lý các vi phạm về hành lang ATGT trên các tuyến giao thông trọng điểm. Bên cạnh đó, công tác quản lý vận tải, phương tiện và người lái được quan tâm.
Các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm việc kiểm định các tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường phương tiện cơ giới đường bộ theo quy định. Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng, quản lý bảo trì và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được cải thiện tích cực.
Nhiều dự án xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là đối với tuyến đường huyết mạch, trọng yếu như QL1, QL10, QL 12B kéo dài, ĐT 477 kéo dài, tuyến kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1... được thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng phục vụ hoạt động vận tải, đáp ứng công cuộc phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương.
PV: Xin đồng chí cho biết mục tiêu của tháng ATGT 2015 là gì?
Đ/c Lê Trọng Thành: Mục tiêu Tháng ATGT 2015 là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đảm bảo TTATGT, nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ về bảo đảm TTATGT, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.
Đồng thời bảo đảm giao thông được thông suốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân; góp phần làm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí từ 5 - 10% trong năm 2015, giảm ùn tắc giao thông và thực hiện thành công chủ đề năm ATGT 2015 "Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện" với khẩu hiệu hành động "Tính mạng con người là trên hết".
PV: Để đạt được mục tiêu đó, Ban ATGT tỉnh sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào?
Đ/c Lê Trọng Thành: Để đạt được mục tiêu trên, Ban ATGT tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến các địa phương đối với công tác đảm bảo TTATGT; tổ chức lễ phát động và hưởng ứng "Tháng ATGT" 2015 tại các huyện, thành phố trên địa bàn; huy động các cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền pháp luật về TTATGT, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các nơi vùng sâu, vùng xa, trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT về nguyên nhân, nguy cơ tai nạn giao thông tăng cao, tạo thái độ, ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông (đội mũ bảo hiểm, tuân thủ quy định về tốc độ, không lái xe khi đã sử dụng rượu bia, không chở quá tải trọng và số người quy định...).
Thực hiện các biện pháp hạn chế tai nạn xe mô tô, xe gắn máy ở khu vực nông thôn, đồng thời tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quản lý hoạt động vận tải khách đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vận tải và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT, vi phạm trong hoạt động vận tải, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn tại các bến khách ngang sông, bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện chở khách.
Tập trung cưỡng chế, kiểm soát tải trọng xe, cương quyết xử lý các phương tiện cơi nới thùng xe và chở quá tải trọng cho phép, kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng "môi giới dẫn xe", né tránh việc kiểm tra tải trọng, đồng thời tập trung kiểm tra xử lý các lỗi là nguyên nhân tăng tai nạn và ùn tắc giao thông như: vi phạm quy định về tốc độ, nồng độ cồn, đi sai phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm, dừng đỗ xe trái quy định, tập trung vào các đối tượng lái xe khách, xe tải nặng, xe công ten nơ, phương tiện thủy không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật, không đăng ký, không đăng kiểm, thiếu dụng cụ phao cứu sinh; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT, trong đó tập trung vào quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch cấp GPLX; kiểm soát chặt chẽ công tác đăng kiểm phương tiện giao thông, tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động kiểm tra kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện vận tải tại các trung tâm đăng kiểm phương tiện vận tải trên địa bàn tỉnh; chỉnh trang kết cấu hạ tầng giao thông, rà soát hệ thống cọc tiêu, biển báo, báo hiệu, phao tiêu để bổ sung kịp thời, nhất là các đèo dốc nguy hiểm và các đoạn đường có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông; thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các dự án công trình giao thông đang thi công...
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Gia Nghĩa (Thực hiện)