Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, những ngày này trên khắp mọi miền đất nước đang diễn ra các hoạt động để tri ân những người đã vì dân, vì nước mà hy sinh, ở Ninh Bình, chúng ta đã có những hoạt động gì?
Đồng chí Nguyễn Phong Phú (Đ/c N.P.P): Ưu đãi người có công (NCC) là một chính sách lớn, vừa thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, vừa thể hiện sự thống nhất xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với những người đã hy sinh xương máu, cống hiến cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ninh Bình, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc xác nhận đối tượng và giải quyết chế độ ưu đãi NCC cho 16.468 liệt sỹ; 337 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 13 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 465 lão thành cách mạng; 75 cán bộ tiền khởi nghĩa; 32 gia đình có công với nước; 805 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 7.360 thương binh; 6.900 bệnh binh; trên 3.000 người bị nhiễm chất độc hóa học...
Những hoạt động tri ân đối với NCC luôn được các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh thường xuyên thực hiện. Năm nay, nhân kỷ niệm 61 năm ngày Thương binh,liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2008), toàn tỉnh đang dấy lên các hoạt động, như tuyên truyền, phát động các phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", xây dựng, sửa chữa nâng cấp các nghĩa trang, nhà bia, đài tưởng niệm liệt sỹ, quy tập mộ liệt sỹ; phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, bố mẹ liệt sỹ, biểu dương, tôn vinh các tập thể và cá nhân NCC tiêu biểu; tổ chức các đoàn đại biểu thăm viếng, dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sỹ Đường 9, Ngã ba Đồng Lộc và các nghĩa trang, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sỹ trong tỉnh. Đồng thời trên địa bàn toàn tỉnh đang diễn ra sôi nổi các hoạt động hưởng ứng xây dựng quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa", làm mới, sửa chữa nhà ở cho những hộ chính sách có khó khăn, thăm hỏi, động viên, tặng quà NCC.
PV: Những năm qua Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách nhằm ổn định, nâng cao đời sống NCC, điều này được thể hiện cụ thể ở tỉnh ta như thế nào?
Đ/c N.P.P: Ưu đãi xã hội đối với NCC là một vấn đề chính trị xã hội to lớn, là trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội. Đặc biệt ngày 21-1-2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2008/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi NCC, theo đó mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi NCC là 564.000 đồng. Ngay sai khi Nghị định có hiệu lực thi hành, chúng tôi đã tiến hành tập huấn, điều chỉnh và thực hiện chi trả chế độ ưu đãi mới, nhanh chóng, kịp thời. Tính đến 30-6-2008, Ngành Lao động- TBXH tỉnh đang quản lý chi trả cho 27.121 đối tượng chính sách hưởng trợ cấp thường xuyên, với kinh phí mỗi năm chi trả trên 222 tỷ đồng. Mặt khác đã giải quyết trợ cấp một lần cho trên 100 nghìn lượt người hoạt động kháng chiến, đảm bảo quản lý chặt chẽ, chính xác, góp phần ổn định đời sống đối với các gia đình chính sách. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ, chu đáo các chế độ ưu đãi, như trang bị, cấp dụng cụ chỉnh hình, phương tiện trợ giúp, chế độ điều dưỡng, điều trị, bảo hiểm y tế, chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo ưu tiên về giao ruộng đất, vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, quỹ xóa đói, giảm nghèo, miễn giảm thuế, tạo điều kiện cho con em NCC trong giáo dục, đào tạo, học nghề, việc làm... Hệ thống các đơn vị sự nghiệp trực thuộc ngành Lao động- TBXH phục vụ NCC gồm: Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan; Trung tâm Chỉnh hình, điều dưỡng phục hồi chức năng Tam Điệp, Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô đã từng bước được tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hoạt động đạt hiệu quả.
PV: Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" trong cộng đồng cũng phát triển mạnh. Xin đồng chí cho biết hiệu quả của phong trào này.
Đ/c N.P.P: Thực hiện chủ trương xã hội hóa về chăm sóc đời sống NCC, ngành Lao động & TBXH từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp phát động nhiều phong trào, với những hình thức phong phú, thiết thực như: phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn"; phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng; phụng dưỡng bố, mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn; phong trào áo lụa tặng bà; đỡ đầu, dạy nghề cho con thương binh, liệt sỹ, giúp đỡ con thương binh, liệt sỹ nghèo vượt khó... được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng, nhiệt tình tham gia. Kết quả là từ năm 2005 đến hết năm 2007 đã phát động quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" đạt 3.265.600.000 đồng. Xây dựng mới 88 nhà, sửa chữa 261 nhà tình nghĩa, trị giá 3.612 triệu đồng; tặng 1.230 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá 211,5 triệu đồng, 100% NCC đủ điều kiện ưu đãi BHYT được cấp phiếu khám chữa bệnh. Tổ chức tiếp nhận và bàn giao 29 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào về quê hương Ninh Bình. Xây dựng, sửa chữa 24 nghĩa trang liệt sỹ; 16 đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sỹ với kinh phí trên 10 tỷ đồng, tổ chức các đoàn đại biểu và nhân dân đến dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ nhân dịp các ngày lễ lớn. Công tác xây dựng xã, phường làm tốt công tác TBLS và các phong trào tình nghĩa được đặc biệt quan tâm, đến nay đã có 139/147 xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh cấp bằng công nhận là xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, NCC, đạt 94,5%. Đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", nhiều gương thương, bệnh binh, gia đình chính sách vượt khó vươn lên, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, làm giàu chính đáng, góp phần vào phát triển kinh tế, giữ vững ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh.
PV: Thời gian tới, ngành Lao động-TBXH sẽ tập trung vào những vấn đề gì để làm tốt công tác chăm sóc gia đình thương binh liệt sỹ và NCC:
Đ/c N.P.P: Những công việc mà ngành LĐ-TBXH đã và đang tập trung thực hiện là: Tiếp tục triển khai một cách đồng bộ các chính sách ưu đãi đối với NCC, đảm bảo tất cả NCC đều được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước, tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng về thực hiện chính sách đối với NCC. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đối với phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, nâng cao đời sống mọi mặt của NCC, thông qua các chương trình hỗ trợ để phát triển kinh tế, nhà ở, dạy nghề, tạo việc làm, đồng thời động viên khuyến khích các đối tượng vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, đóng góp cho sự phát triển của quê hương.
Thực hiện tốt chức năng giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về chính sách NCC, kiện toàn và thường xuyên bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách ở cả 3 cấp tỉnh huyện, xã, đảm bảo đủ phẩm chất và năng lực công tác, đủ khả năng tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả công tác này. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác tự kiểm tra từ cơ sở, nhằm kịp thời uốn nắn những sai sót, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
PV: Xin cảm ơn đồng chí !
Hà Trang
(thực hiện)