Năm 2020, Ninh Bình chịu ảnh hưởng 33 đợt không khí lạnh, 12 đợt nắng nóng, 9 đợt mưa vừa, mưa to. Đặc biệt tỉnh ta đã chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão. Cơn bão số 2, sóng lớn kết hợp với triều cường đã làm nước biển tràn cục bộ lên mặt đê Bình Minh III ở đoạn giáp cống CT11 và đã làm hư hỏng một số ao đầm và lều chòi ở khu vực bãi ngoài đê Bình Minh III. Cơn bão số 7 gây mưa vừa, mưa to làm xuất hiện lũ trên sông Hoàng Long; sạt lở đá tại khu vực núi Vườn Già, thôn Đông, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, phải sơ tán 7 hộ dân sống xung quanh; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến 10 ha rừng phòng hộ chắn sóng ở khu vực Cồn Nổi.
Khi thiên tai xảy ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ động chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng và triển khai phương án ứng phó toàn diện, linh hoạt theo phương châm 4 tại chỗ. Các sự cố được phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu; lực lượng quân đội và công an luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong ứng phó và đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn giao thông khu vực xảy ra thiên tai.
Những vùng nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai đã kiên quyết di dân đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Do vậy, năm 2020, các thiệt hại do thiên tai đã được giảm thiểu.
Năm 2021, theo dự báo, tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Cần chủ động đề phòng bão mạnh, mưa lớn diện rộng, lũ cao trên các triền sông và nước dâng vùng ven biển.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng, nguy cơ xảy ra thiên tai năm 2021; giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai tại các địa phương...Theo đó, xác định đối với bão, bão mạnh, siêu bão, sóng thần trọng điểm sẽ là huyện Kim Sơn (vùng nuôi trồng thủy sản, đê biển Bình Minh II, III); đối với chống lũ trọng điểm là các huyện Nho Quan, Gia Viễn (hệ thống đê tả, hữu sông Hoàng Long)…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.
Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành, các huyện, thành phố; củng cố nâng cao năng lực hoạt động của đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Tiến hành rà soát lại toàn bộ các phương án trọng điểm hộ đê toàn tuyến.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an giao thông và các địa phương thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng xe quá tải, quá khổ chạy trên mặt đê, ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê.
Ban Quản lý dự án đầu tư công trình xây dựng nông nghiệp &PTNT rà soát lại tất cả các dự án đang thi công, nhất là dự án Âu Kim Đài, dự án nâng cấp đê sông Đáy, xây dựng phương án xác định dòng chảy, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công. Riêng huyện Yên Khánh tiến hành khảo sát tổng thể, để xây dựng phương án cải tạo, hoàn thiện kênh tiêu thoát nước của khu công nghiệp Khánh Phú.
Đồng chí cũng lưu ý, các huyện rà soát lại, xem xét tận dụng các hành lang đê, bãi đê để trồng cây xanh, cây tre chắn sóng theo chương trình "trồng 1 tỷ cây xanh"… Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình phòng chống thiên tai và bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Nguyễn Lựu - Anh Tuấn