Tại hội nghị đã triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm vacxin sởi- rubella trong tiêm chủng mở rộng ngành y tế tỉnh năm 2014- 2015 với mục đích giảm tỷ lệ mắc các bệnh sởi-rubella, giảm gánh nặng bệnh tật cả hội chứng rubella bẩm sinh, góp phần nâng cao thể chất của trẻ em, đóng góp cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của dự án tiêm chủng mở rộng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia y tế giai đoạn 2012- 2015.
Hình thức triển khai: chiến dịch chia thành 3 đợt cho 3 nhóm đối tượng, triển khai đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh cho mỗi đợt tiêm. Đợt 1: tiêm nhóm trẻ sinh từ 1-1-2009 đến 31-8-2013 thuộc các đối tượng học nhà trẻ, mẫu giáo và tại hộ gia đình tại các trạm y tế và điểm tiêm ngoài trạm; Đợt 2: tiêm nhóm trẻ sinh từ 1-1-2004 đến 31-12-2008 thuộc các đối tượng học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 tại các điểm tiêm lưu động tại các trường tiểu học; Đợt 3: tiêm nhóm trẻ sinh từ 1-1-2000 đến 31-12-2003 thuộc đối tượng học sinh THCS từ lớp 6 đến lớp 9 tại các điểm tiêm lưu động tại các trường THCS.
Dự kiến, tổng số trẻ thuộc đối tượng tiêm vacxin sởi- rubella trong chiến dịch là 198.876 đối tượng. Yêu cầu của chiến dịch: đạt tỷ lệ trên 95% trẻ em trong độ tuổi từ 12 tháng đến 14 tuổi được tiêm vacxin sởi- rubella trên địa bàn tỉnh; đảm bảo an toàn tiêm chủng theo quy định và không để xảy ra tử vong do tai biến nặng sau tiêm chủng.
Hội nghị đã thông báo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola và công tác phòng chống dịch bệnh; triển khai Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20-3-2014 của Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý và sử dụng vacxin trong tiêm chủng mở rộng.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Chiến dịch tiêm vacxin sởi- rubella là chiến dịch lớn với số đối tượng trẻ được tiêm đông, phạm vi rộng, thời gian thực hiện kéo dài, do đó cần sự tập trung cao độ của các cấp, các ngành, nhất là sự vào cuộc của ngành y tế và giáo dục.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả chiến dịch, đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ: Thời gian hoàn tất việc điều tra kéo dài đến ngày 10-9; Việc chuyển giấy mời cho phụ huynh đưa học sinh đi tiêm giao cho ngành giáo dục thực hiện đối với bậc tiểu học và THCS, bậc mầm non giao cho ngành y tế thực hiện; Về chuẩn bị nguồn nhân lực, trên cơ sở nguồn nhân lực của đơn vị để xây dựng kế hoạch tiêm phù hợp, tách ngày tiêm chủng thường xuyên với lịch tiêm sởi- rubella; Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến và cả đội ngũ y tế học đường.
Đồng chí cũng lưu ý, các xã, phường, thị trấn phải thành lập ban chỉ đạo, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành cần chủ động, tuân thủ sự lãnh đạo của địa phương; Công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh và sự cần thiết phải tiêm chủng để phòng chống dịch bệnh; tổ chức tập huấn sớm, hướng dẫn cụ thể các nội dung công việc; Việc cấp cứu, xử trí các tai biến cần được quan tâm thực hiện tốt nhằm đảm bảo không để xảy ra tai biến sau tiêm chủng; Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cần báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh để giải quyết kịp thời.
Về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, đồng chí đề nghị các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân không hoang mang, có ý thức phòng chống dịch bệnh; các đơn vị y tế chủ động triển khai các phương án, điều kiện, phương tiện, có tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ trực tiếp làm công tác phòng chống dịch bệnh.
Thời gian triển khai chiến dịch tiêm vacxin sởi- rubell từ tháng 7- 2014 đến hết tháng 6-2015 tại 147 điểm tiêm chủng cố định tại các trạm y tế và điểm ngoài trạm, 294 điểm tiêm chủng lưu động tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn toàn tỉnh.
Phan Hiếu