Hiện tại trà xuân sớm đang ở trong giai đoạn phơi màu đến chắc xanh, trà xuân muộn đang trong giai đoạn phân hóa đòng đến ôm đòng. Nhìn chung, thời tiết khí hậu khá thuận lợi; công tác tưới tiêu, chăm sóc kịp thời; sâu bệnh sinh trưởng và phát triển với quy mô và mức độ ít so với vụ trước..., tạo điều kiện cho lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt và khá đồng đều. Tuy nhiên, qua điều tra diễn biến tình hình dịch hại trên đồng ruộng của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho thấy một số đối tượng dịch hại đang có chiều hướng phát sinh, phát triển mạnh và khả năng gây hại trên diện rộng cho các trà lúa. Bà Đỗ Thị Thao, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 1 gây hại rải rác trên các trà lúa với mật độ trung bình 81 con/m2, nơi cao 200-400 con/m2, cá biệt có nơi tới 500-700 con/m2 (Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô). Rầy cám lứa 2 đang nở rộ với mật độ phổ biến từ 600-700 con/m2, nơi cao 3.000-4.000 con/m2, cá biệt có nơi tới 5.000-10.000 con/m2. Rầy cám lứa 2 nở rộ từ ngày 24/4 đến 2/5 và gây hại rộng trên các trà lúa ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, đặc biệt là ở các huyện: Yên Mô, Yên Khánh và Kim Sơn. Tổng diện tích nhiễm rầy lứa 2 và cần phải phòng trừ có thể trên 16.000ha.
Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang ra rộ. Dự kiến sâu non sẽ nở rộ từ ngày 25/4 đến ngày 5/5 và gây hại rộng trên trà lúa xuân muộn ở giai đoạn lúa ôm đòng với mật độ phổ biến từ 15-20 con/m2, nơi cao từ 50-70 con/m2, cá biệt có chỗ trên 100 con/m2 và nếu không phát hiện, phun trừ kịp thời sẽ làm so lá đòng, ảnh hưởng đến năng suất lúa xuân. Các huyện Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn là những nơi được dự báo sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 sẽ phát sinh, phát triển và gây hại nặng. Tổng diện tích nhiễm và có thể cần phải phòng trừ lên đến trên 19.000ha... Ngoài các đối tượng trên thì chuột là đối tượng gây hại cục bộ, nhưng thường xuyên và liên tục ở tất cả các địa phương với mức độ và quy mô cao hơn vụ trước. Bệnh khô vằn gây hại cục bộ trên các trà lúa; sâu đục thân lúa 2 chấm, bệnh đạo ôn cổ bông hại rải rác.
Cũng theo bà Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh để vụ đông xuân 2016-2017 giành thắng lợi, cần làm tốt công tác BVTV trong giai đoạn tới với các biện pháp và giải pháp là: Đảm bảo đủ nước, bón phân cân đối, đúng kỹ thuật cho cây lúa sinh trưởng và phát triển khỏe nhằm tăng khả năng chống chịu với các đối tượng dịch hại. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân rõ trà lúa; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, khí hậu và dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng.
Đối với đối tượng rầy nâu và rầy lưng trắng, phun trừ trên các khu ruộng lúa có mật độ rầy lớn hơn hoặc bằng 2.000 con/m2 và khi rầy đang ở tuổi 2; thời gian phun thuốc trong khoảng từ 27/4 đến 2/5 bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Penalty 40WP, Sutin 5EC, Chess 50WG, Panano 600WP, Midan 10WP, Cytoc 250WP... Những ruộng có mật độ rầy cao phải tiến hành phun trừ 2 lần và lần 2 cách lần 1 từ 4-5 ngày. Đối với sâu cuốn lá nhỏ phun trừ khi mật độ sâu lớn hơn hoặc bằng 20 con/m2 và khi sâu non đang rộ ở tuổi 2; thời gian phun trừ từ 28/4 đến 3/5 bằng các loại thuốc sau: Clever 150 EC, 300 WG, Silsau 4.5 EC, Directer 70 EC, Virtako 40WG, Voliam Targo 063 SC, Tango 800 WG, Michigane 800 WG, Dylan 5WWP..., những ruộng có mật độ sâu cao thực hiện phun kép với lần 2 cách lần 1 từ 4-5 ngày. Có thể kết hợp phun trừ các đối tượng gây hại như rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn... nhưng phải đảm bảo đủ liều lượng và lượng thuốc đã pha từ 25-30 lít/sào.
Tiếp tục diệt chuột trên trà lúa xuân muộn, bởi đây là đối tượng gây hại thường xuyên với mức độ cao gấp 6-7 lần so với vụ đông xuân trước. Trong giai đoạn lúa làm đòng, chuột hoạt động mạnh, cần phải chú ý, quan tâm diệt trừ không chỉ để bảo vệ sản xuất.
Trường Sinh