Kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 50 năm ngày mở đường Trường Sơn, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có buổi gặp gỡ nồng ấm với những nữ chiến sỹ bộ đội Trường Sơn năm xưa. Đi theo đoàn Ninh Bình, chúng tôi đã có những cảm xúc khó tả, vừa xúc động nghẹn ngào vừa tự hào biết bao vì trên quê hương mình có những con người như thế - những con người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
"Không bút mực nào có thể tả hết những mất mát, hy sinh của các nữ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn"
Đó là lời khẳng định, chia sẻ của Chủ tịch nước với những nữ chiến sỹ đã từng tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Là một thanh niên xung phong trong thời kỳ chống Mỹ, quyết tâm lên đường chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thực sự xúc động và tìm được tiếng nói đồng cảm với những nữ bộ đội Trường Sơn ngày ấy. Chủ tịch nước đã nắm tay những người phụ nữ đã góp phần làm nên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại và cùng hát những ca khúc "Đi cùng năm tháng" như một sự hồi tưởng, tri ân với những hy sinh, mất mát của những nữ bộ đội Trường Sơn.
10 người con đất Ninh Bình tham dự buổi gặp mặt đại diện cho 300 nữ bộ đội Trường Sơn trong toàn tỉnh đã có những tâm sự, chia sẻ rất chân thành, đầy xúc động tại buổi gặp mặt. Không ai muốn nhắc đến những mất mát mà mình phải gánh chịu trong suốt thời gian qua, nhưng như lời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đó là những vết thương không bao giờ lành, những vết thương đã đi cùng các chị trong suốt quãng đời còn lại.
Vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, trong không khí hào hùng của cả dân tộc tham gia kháng chiến chống Mỹ, lớp lớp thanh niên Ninh Bình đã tình nguyện lên đường đi chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, giải phóng quê hương, làm nên đường Trường Sơn huyền thoại. Những nữ bộ đội Ninh Bình chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn ngày ấy đã không tiếc tuổi thanh xuân của mình, bất chấp mọi hy sinh gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Các nữ chiến sỹ bộ đội Trường Sơn chụp ảnh lưu niệm tại Hà Nội.
Có chị đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, có chị đã gửi lại một phần xương máu của mình trên tuyến đường huyền thoại ấy, có những chị đã không được quyền làm mẹ, làm vợ vì bị nhiễm chất độc da cam, có những chị nương nhờ chốn cửa Phật để cầu nguyện cho linh hồn đồng đội…
Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Thùy, hiện đang sống tại phường Bắc Sơn (thị xã Tam Điệp) chúng tôi không thể kìm nén được những giọt nước mắt. Năm 1971, khi mới 17 tuổi nhưng chi đã tình nguyện xung phong lên đường chiến đấu tại Đoàn 559 anh hùng. Nhiệm vụ của các chị lúc đó là mở đường để những chuyến xe đưa hàng ra tiền tuyến. "Phá đá, mở đường, đánh bộc phá giữa tiếng bom gào, đạn nổ là công việc thường ngày của những chiến sỹ mở đường như chúng tôi để những chuyến xe qua"... Và giữa những giờ phút mà sự sống, cái chết chỉ cách nhau trong tích tắc, những nữ bộ đội Trường Sơn ấy vẫn hát vang những khúc ca, bài hát như một niềm tin quyết thắng trong trận chiến gian khổ, ác liệt mà hào hùng ấy.
Chị Thùy đã từng đi phá đường tại Dốc Thơm, Khe Sanh, Lao Bảo… Mỗi địa danh đều gắn với những kỷ niệm chiến trường của chị. Chị vẫn còn nhớ như in những ngày địch đánh phá ác liệt trên tuyến đường, đã có bao nhiêu đồng đội ngã xuống. Cũng có những lúc chị rơi nước mắt vì những hy sinh ấy nhưng rồi bằng nghị lực, ý chí của mình, các chị đã vượt lên tất cả để tiếp tục sống, chiến đấu.
Thế nhưng cũng chính những năm tháng trên đường Trường Sơn đã để lại cho chị những di chứng nặng nề, chị bị nhiễm chất độc da cam. 2 người con của chị bị ảnh hưởng của chất độc da cam từ mẹ, không có khả năng học tập như bao đứa trẻ bình thường khác. Bao nhiêu nỗi vất vả đè lên đôi vai chị. Nói đến đây chị rơm rớm nước mắt. Chúng tôi cũng không dám hỏi gì thêm bởi trước mặt chúng tôi là một nhân chứng sống về những hy sinh, mất mát của nữ bộ đội Trường Sơn Ninh Bình trên tuyến đường huyền thoại ngày ấy.
Với chị Nguyễn Thị Xoa hiện đang sống tại phố Mới, thị trấn Me (Gia Viễn) thì những năm tháng đi mở đường Trường Sơn tại Đoàn 559 luôn là những kỷ niệm không thể phai mờ. Năm 18 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của thời con gái, chị đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc xung phong nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.
Những năm tháng ở tuyến đường Trường Sơn, chị đã băng qua bao nhiêu suối đèo, phá đá, chặt cây, đánh 15 đến 25 quả bộc phá mỗi ngày, góp phần làm nên những con đường Trường Sơn. Những kỷ vật thời chiến như chiếc mũ tai bèo, chiếc áo của người đồng đội đã hy sinh nơi chiến trường, tấm ảnh chụp với đồng chí Nguyễn Thị Định tại chiến trường… luôn được chị nâng niu, trân trọng. Những năm tháng chiến đấu hy sinh không mệt mỏi ấy đã khiến cho sức khỏe của chị bị suy giảm nhiều, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát chị lại đau đớn, vật vã với cơn sốt rét ác tính. Nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào chị vẫn luôn tự hào vì mình đã cống hiến trí tuệ, sức lực, tuổi thanh xuân cho đất nước, dũng cảm chiến đấu trên con đường Trường Sơn huyền thoại để đất nước được đơm hoa kết trái như ngày hôm nay.
Tri ân với những người làm nên tuyến đường Trường Sơn
Buổi gặp gỡ thân mật của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chính là một việc làm tri ân đối với những nữ chiến sỹ bộ đội Trường Sơn. Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước luôn cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của chị em, cố gắng chăm lo cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng để phần nào bù đắp những mất mát trong chiến tranh, cũng là thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn''. Tuy nhiên, sự bù đắp có to lớn thế nào cũng là không đủ, bởi những mất mát vẫn còn dai dẳng, nhất là đối với các nữ chiến sỹ- những người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân đẹp nhất trong cuộc đời mình vì độc lập dân tộc. Những hy sinh cũng như những chiến công mà các chị làm nên trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử đã được cả thế giới ghi nhận.
Những nữ bộ đội Trường Sơn Ninh Bình đã vô cùng xúc động trước sự quan tâm của Nhà nước đối với chị em. Chị Trần Thị Bình, Trưởng ban Liên lạc nữ bộ đội Trường Sơn Ninh Bình xúc động nói: "Được gặp Chủ tịch nước là một vinh dự đối với chị em chúng tôi. Đó là ước nguyện của chị em bao năm nay, chúng tôi thấy bên cạnh mình còn rất nhiều sự động viên, chia sẻ, quan tâm cũng như sự ghi nhận những gì mà chị em đã cống hiến, hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn góp phần làm nên đại thắng mùa xuân lịch sử"…
Chị Bình cũng cho chúng tôi biết hiện nay những nữ bộ đội Trường Sơn trong tỉnh mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, vất vả chiến đấu với bệnh tật, sống đơn chiếc… nhưng tất cả các chị vẫn phát huy truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên ổn định cuộc sống, trọn tình vẹn nghĩa, tri ân với đồng đội. Các chị đã lập ra Ban liên lạc, thành lập quỹ hoạt động để thăm hỏi lúc ốm đau, giúp những trường hợp đặc biệt khó khăn vươn lên phát triển kinh tế. Số tiền của quỹ không lớn, chỉ là vài chục triệu đồng nhưng đó là nghĩa tình đồng đội.
Những nữ bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu để làm nên tuyến đường huyền thoại và giờ đây trong thời bình, họ lại tiếp tục vượt qua khó khăn để cùng nhau góp sức xây dựng quê hương.
Quỳnh Thu-Thế Minh