Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết kết quả việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công của tỉnh những năm qua?
Đ/c Nguyễn Phong Phú: Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn mang tính đặc thù trong hệ thống chính sách xã hội, vừa thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, vừa thể hiện sự thống nhất xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về "Đền ơn đáp nghĩa" đối với những người đã hy sinh xương máu, cống hiến cho nền độc lập tự do của dân tộc. ở tỉnh ta công tác này đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tính đến thời điểm 30-6-2014, toàn tỉnh đã xác nhận và thực hiện chính sách ưu đãi cho trên 120 nghìn lượt người có công với cách mạng, trong đó đã quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên hàng tháng cho gần 30 nghìn đối tượng; đồng thời việc xác nhận hồ sơ mới để giải quyết chính sách ưu đãi cho người có công và thân nhân của họ vẫn đang tiếp tục được thực hiện. Chỉ tính riêng năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 tỉnh ta đã xác lập hồ sơ mới và giải quyết chính sách tăng thêm cho trên 20.000 người theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công mới được sửa đổi, bổ sung. Trước đây tỉnh ta đã có 345 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Từ năm 2013, cùng với cả nước, tỉnh ta đã triển khai thực hiện Pháp lệnh bổ sung, sửa đổi về quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Kết quả đến nay toàn tỉnh đã xác lập được thêm 692 hồ sơ, trong đó có 109 hồ sơ đề nghị phong tặng và 583 hồ sơ đề nghị truy tặng "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", đã có 526 mẹ có quyết định của Chủ tịch nước, trong đó có 85 mẹ có quyết định phong tặng, 441 mẹ có quyết định truy tặng. Hiện nay các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục tiếp nhận hồ sơ và đề nghị giải quyết những trường hợp còn lại. Năm 2014 đã có 55.720 đối tượng người có công và thân nhân của họ được hưởng chế độ ưu đãi bảo hiểm y tế, trên 10.000 lượt định xuất trợ cấp ưu đãi trong giáo dục đào tạo, thực hiện hơn 11.000 định xuất trợ cấp điều dưỡng luân phiên. Hoàn thành việc cấp lại 1.393 Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sỹ do bị mất, rách nát . . .
Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về Tổng rà soát việc thực hiện chính sách người có công của 7 nhóm đối tượng, tỉnh đã chỉ đạo ngành Lao động- Thương binh & Xã hội phối hợp chặt chẽ với ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các thành viên của Mặt trận tiến hành đợt tổng rà soát công khai, minh bạch trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay đã cơ bản hoàn thành ở cấp xã, được Trung ương đánh giá là tỉnh triển khai sớm, nghiêm túc, có hiệu quả, ít sai sót. Có 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh được cấp Bằng công nhận là đơn vị làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công.
P.V: Công tác xã hội hóa hoạt động chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm chia sẻ của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Phong Phú: Công tác chăm sóc đời sống các đối tượng người có công ở tỉnh ta trong thời gian qua đã được thực hiện chu đáo, thường xuyên, hiệu quả cao. Cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước, của tỉnh và các địa phương đối với người có công… Điều rất đáng được ghi nhận là công tác xã hội hóa trong các hoạt động này ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm chia sẻ của các tổ chức, doanh nghiệp và những nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
Tiêu biểu như: Doanh nghiệp Xuân Trường đã thường xuyên duy trì các hoạt động thăm hỏi, tặng quà thương, bệnh binh, tích cực đóng góp quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" của địa phương, đặc biệt đã hỗ trợ hàng tỷ đồng cho chương trình "Trái tim cho em", trong đó ưu tiên phẫu thuật miễn phí cho con của người có công bị mắc bệnh tim bẩm sinh; Tập đoàn kinh tế Xuân Thành tích cực trong việc đóng góp quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", quỹ " Vì người nghèo" hàng tỷ đồng; Tập đoàn Vingroup (Hà Nội) với tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp đã trao tặng 3.000 con bê và 130 ngôi nhà tình nghĩa, trị giá 35 tỷ đồng cho các hộ nghèo và hộ chính sách, người có công; Chi nhánh Ngân hàng Liên Việt đã trao tặng 500 ti vi màu và 50 ngôi nhà tình nghĩa, trị giá hơn 4 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ chính sách của tỉnh; các chi nhánh Ngân hàng Công thương Ninh Bình, Tam Điệp đã trao tặng hơn 100 ngôi nhà tình nghĩa cho các cựu chiến binh bộ đội Trường Sơn và cựu thanh niên xung phong.
Các doanh nhân Đinh Ngọc út ở thành phố Hồ Chí Minh, Vũ Hữu Sử ở Ninh Bình đã tài trợ hàng tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình tưởng niệm liệt sỹ trong tỉnh. Những hoạt động thắm đượm tình nghĩa ấy đã đem lại sự giúp đỡ nhiều mặt, cả về vật chất, tinh thần, góp phần tích cực vào việc nâng mức sống cho người có công. Đến nay về cơ bản người có công trong tỉnh đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của dân cư nơi cư trú.
P.V: Từ nhiều năm nay, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" được nhân rộng với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Đ/c Nguyễn Phong Phú: Những năm qua phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã được các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm thực hiện, trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội.
Phong trào toàn dân giúp đỡ, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công không ngừng được phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Những chương trình lớn như: xây dựng nhà tình nghĩa; lập Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; tặng sổ vàng tình nghĩa, phong trào phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu dạy nghề cho con thương binh, liệt sỹ, phụng dưỡng bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, giúp đỡ con thương binh nghèo vượt khó… cùng với nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực đã nảy nở từ tình cảm trong cộng đồng thôn, bản, làng, xã, đường phố... Toàn tỉnh đã huy động bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có sự đóng góp tiền của và ngày công của cộng đồng dân cư, dòng tộc, đã giúp đỡ, hỗ trợ xây mới và sửa chữa được hơn một nghìn ngôi nhà tình nghĩa cho hộ người có công. Con liệt sỹ, con thương, bệnh binh được các cấp chính quyền, nhà trường, thầy cô giáo quan tâm chăm sóc, giúp đỡ, tạo điều kiện mọi mặt trong học tập văn hóa, học nghề, tạo việc làm.
Nhiều người có công trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua thương tật, bệnh tật, khó khăn trong cuộc sống, vươn lên trong học tập, công tác, lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống gia đình ổn định, hạnh phúc, tích cực tham gia các hoạt động công tác xã hội, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Nhiều thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, người công dân kiểu mẫu, là tấm gương để mọi người học tập noi theo. Năm 2014 này, tỉnh ta đã được chọn cử 2 đại biểu có thành tích suất sắc là thương binh Lê Văn Tụng ở thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh) và thương binh Chu Quốc Đậu ở xã Ninh Hải (Hoa Lư) đi dự và nhận Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (Thực hiện)