Trong niềm hân hoan khi đất trời vào xuân, bên sự đoàn viên sum vầy ấm cúng của mỗi gia đình, sự phát triển phồn vinh của quê hương, đất nước, thế hệ hôm nay không thể quên sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Chung tay góp sức chăm lo chu đáo người có công với cách mạng không chỉ là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ngành chức năng mà là trách nhiệm, nghĩa tình của mỗi người, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội, qua đó nhân lên nét đẹp truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc, thể hiện sâu sắc, trách nhiệm, nghĩa tình tri ân, lòng biết ơn, tình cảm trân trọng của thế hệ hôm nay.
Tiếp nối truyền thống cách mạng và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc, ngay từ năm 1996, Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình đã nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Đề, sinh năm 1921 ở xóm Trung Đức, thôn Đông Hội, xã Ninh An, huyện Hoa Lư. Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mẹ Đề đã mất đi người chồng và người con trai duy nhất. Năm 1992, mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đồng chí Nguyễn Ngọc Chi, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình cho biết: Khi Đảng, Nhà nước phát động phong trào các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, năm 1996, Công ty đã chủ động liên hệ với chính quyền địa phương nhận phụng dưỡng suốt đời mẹ Tạ Thị Đề. Ngay sau đó, Công ty phối hợp với xã Ninh An xây mới cho mẹ Đề ngôi nhà cấp 4. Bên cạnh đó, hàng tháng Công ty tặng mẹ 500 nghìn đồng giúp mẹ trang trải một phần cuộc sống, đồng thời cử cán bộ, công nhân viên thường xuyên thăm hỏi mẹ, giúp đỡ mẹ khi ốm đau, bệnh tật. Những ngày lễ lớn của đất nước, ngày Tết, ngày thương binh, liệt sỹ 27-7, Công ty có quà đến thăm hỏi, động viên mẹ. Năm 2013, Công ty đã góp 3 triệu đồng cùng xã chung tay xây dựng nông thôn mới, làm nhánh đường bê tông đoạn đường vào nhà mẹ Đề. Đến năm 2015, khi nhà mẹ xuống cấp, Công ty đóng góp 20 triệu đồng cùng với huyện Hoa Lư, xã Ninh An sửa chữa, nâng cấp nhà cho mẹ khang trang, kiên cố, động viên mẹ sống vui, khỏe. Trong những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm đến hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" để người có công và thân nhân của họ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; ưu tiên lo nhà ở cho gia đình thương binh, liệt sỹ; chăm sóc và tu bổ các công trình ghi công liệt sỹ. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân... ngày càng thể hiện nhiều hơn tấm lòng tri ân thông qua những việc làm thiết thực đối với các đối tượng chính sách. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 25 nghìn đối tượng chính sách, người có công. Tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng", các nghị định, thông tư hướng dẫn của Trung ương. Năm 2016, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu 32 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng. Đến nay toàn tỉnh có 1.199 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, có 67 Bà mẹ còn sống, tất cả các Bà mẹ đều được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh nhận phụng dưỡng.
Cùng với việc giải quyết chính sách cho các đối tượng mới phát sinh, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã duy trì thực hiện tốt chính sách và lo đủ nguồn kinh phí, tổ chức chi trả đúng, đủ, kịp thời các khoản trợ cấp, phụ cấp cho đối tượng theo đúng quy định của Nhà nước. Năm 2016, đã có 458 trường hợp được nhận trợ cấp 1 lần với số tiền trên 2,9 tỷ đồng; 3.318 người thụ hưởng chế độ ưu đãi bảo hiểm y tế; 930 người có công được hưởng trợ cấp dụng cụ chỉnh hình; trên 800 lượt đối tượng thụ hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục-đào tạo... việc chi trả đảm bảo an toàn, không để xảy ra thất thoát. Hàng năm đã thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho trên 7.000 lượt người có công, trong đó mỗi năm tổ chức đưa hàng nghìn người có công đi điều dưỡng tập trung tại Sầm Sơn -Thanh Hóa và Đồ Sơn - Hải Phòng đảm bảo an toàn.
Các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể cũng tổ chức tốt việc thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng chính sách trong các dịp lễ, Tết; vận động đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; vận động tặng sổ "Tiết kiệm tình nghĩa"; hỗ trợ xây, sửa nhà tình nghĩa tặng người có công; tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người có công hàng tỷ đồng. Hàng chục nghìn gia đình chính sách được ưu tiên vay vốn để phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, được ưu tiên học nghề. Đến năm 2013, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận là xã, phường thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công. Đến nay, toàn tỉnh có 98,5% hộ gia đình chính sách có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
Hồng Vân