Ông nội tôi kể, năm 1992 khi tỉnh Ninh Bình được tái lập, ông tôi cùng nhiều đồng nghiệp từ các huyện chuyển về công tác tại tỉnh. Con đường từ Kim Sơn nơi công tác cũ của ông về thị xã khi ấy chỉ 30 cây số nhưng đi lại vô cùng vất vả. Lúc ấy phương tiện cũng có người xe đạp, người đi xe máy, nhưng "ổ trâu", "ổ gà" liên tiếp dọc đường khiến quãng đường như dài hơn, vất vả hơn.
Gắn bó nhiều nhất với những con đường quê trong tỉnh phải kể đến mẹ tôi. Là nhà báo nên những chuyến tác nghiệp của mẹ gắn liền với những con đường, từ thành phố cho đến nông thôn, về các xã vùng cao của huyện Nho Quan, xuống các xã ven biển của huyện Kim Sơn…
Tôi vẫn nhớ mẹ kể một kỷ niệm về lần tác nghiệp ở một xã bãi ngang của huyện Kim Sơn. Xong buổi tiếp xúc cử tri tại đó là 5 giờ chiều, ngày ấy Internet lại chưa phát triển rộng khắp, máy tính xách tay cũng chưa được trang bị. Mẹ tôi sốt ruột chỉ mong mau mau chóng chóng về cơ quan để viết tin cho tòa soạn xuất bản kịp số báo ra hôm sau. Vậy nhưng di chuyển trên quãng đường gồ gề, nhỏ hẹp, dù đi xe ô tô nhưng cũng phải gần 7 giờ tối mẹ tôi mới về đến cơ quan.
Cả tòa soạn hôm ấy phải về muộn vì còn chờ nốt tin tiếp xúc cử tri của mẹ để hoàn thiện trang báo. Giờ nhắc lại, mẹ bảo: "Chuyện đấy giờ cho vào vùng ký ức được rồi. Bây giờ đường thông hè thoáng, mẹ "phi" chưa đến một tiếng là có thể có mặt ở cơ quan hoặc đơn giản là gõ máy tính gửi tin tác nghiệp từ cơ sở, mọi người ở nhà không phải chờ đợi lâu"…
Tuổi đời của tôi so với chặng đường 30 năm kể từ ngày tỉnh Ninh Bình được tái lập mới chỉ là một khoảng thời gian chưa dài, những con đường tôi được chứng kiến qua những lần về thăm quê, qua những chuyến đi dã ngoại, du lịch… cũng chưa thể toàn diện so với những đổi thay của 30 năm qua.
Tôi chỉ biết rằng, những con đường ông bà, bố mẹ tôi và tôi đã qua đều có những đổi thay đáng kể theo hướng khang trang hơn, hiện đại hơn, rộng rãi hơn. Tìm hiểu thông tin từ các cơ quan báo chí của tỉnh tôi được biết những năm qua tỉnh Ninh Bình đã có sự quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng điện, đường, trường trạm… để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới được coi là "cú hích" đem lại cho nông thôn Ninh Bình một diện mạo mới.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình, lũy kế đến hết năm 2021, toàn tỉnh huy động được gần 48 nghìn tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn huy động từ cộng đồng dân cư đóng góp và tự đầu tư là 12.169 tỷ đồng, chiếm khoảng 25,4% nguồn lực. Các địa phương trong toàn tỉnh đã tiếp nhận gần 267 nghìn tấn xi măng, làm được gần 17 nghìn tuyến đường với tổng chiều dài 2.120 km. Các tuyến quốc lộ 10, quốc lộ 1A, đường 477 cho đến các tuyến đường liên xã, liên thôn… nay đã được nâng cấp, mở rộng, rải nhựa phẳng lì.
Những kết quả này, con số nêu trên đã nói hết được những đổi thay trên những con đường quê trong tỉnh, để con đường đến trường của bao học sinh vùng nông thôn, miền núi; để con đường đi làm, công tác của các bác, các cô chú công nhân viên chức, lao động; để con đường vận chuyển hàng hóa, nông sản của các doanh nghiệp, người nông dân; để con đường đi tác nghiệp của mẹ tôi và đồng nghiệp được thuận lợi, suôn sẻ, nhanh chóng hơn.
Đi trên những con đường quê đổi mới vào dịp các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đang nô nức thi đua chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, tôi càng thấm thía những bài học lịch sử đã học, ghi nhớ công ơn của các thế hệ đi trước, để lớp thanh niên chúng tôi ngày nay, được tận hưởng những thành quả tốt đẹp, ý nghĩa…
Bùi Diệu Thảo
(Tác phẩm tham dự cuộc thi viết, sáng tác nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh)