Trao đổi kinh nghiệm làm báo tại các tỉnh Tây Nguyên: Truyền "lửa nghề" từ những người làm báo Đảng
Thứ Ba, 25/10/2022, 09:33
Zalo
Trung tuần tháng 10, Ban Biên tập Báo Ninh Bình đã thành lập Đoàn công tác đi học tập, trao đổi nghiệp vụ làm báo tại các tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông. Đây là dịp để những người làm Báo Ninh Bình và các cơ quan báo Đảng địa phương khu vực Tây Nguyên được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động báo chí, qua đó thắt chặt hơn mối quan hệ gắn bó, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả.
Trao đổi kinh nghiệm làm báo tại các tỉnh Tây Nguyên: Truyền "lửa nghề" từ những người làm báo Đảng
Khởi hành từ quê hương Cố đô, khi vừa đặt chân lên vùng đất đỏ Ba-zan, ngay lập tức các thành viên trong Đoàn đã bị "hút hồn" bởi những con đường đèo dốc uốn lượn trên cao nguyên xanh với ngút ngàn rừng thông, rừng cao su, rẫy cà phê, hồ tiêu... Chiếc xe 16 chỗ đón chúng tôi từ sân bay Pleiku, bác tài xế là người địa phương vui vẻ, nhiệt tình giới thiệu về những cung đường mà xe đi qua. Âm thanh rộn ràng, da diết "Trời Tây nguyên xanh, hồ trong nước xanh/Trường Sơn xa xanh, ngút ngàn cây xanh…" được phát ra từ chiếc máy nhạc trên xe đã khơi gợi cho chúng tôi những cảm xúc đặc biệt về hành trình khám phá mảnh đất thấm đượm chất anh hùng ca Tây Nguyên. Bởi vậy, trong Đoàn, có người dù là lần đầu tiên hay đã đôi ba lần đến với vùng đất này đều có chung tâm trạng bồi hồi đến khó tả.
Lãnh đạo và các bạn đồng nghiệp ở các Báo bạn đã tiếp đón Đoàn như những người thân đi xa lâu ngày gặp lại, khiến chúng tôi cảm thấy thật ấm áp, thân quen để rồi không lâu sau chúng tôi đã nhanh chóng bắt tay vào công việc chính: trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm làm báo.
Tại cơ quan các Báo bạn, nhiều nội dung liên quan đến công tác tổ chức nhân sự (tổ chức các phòng, biên chế, hợp đồng lao động…); công tác trình bày và xuất bản báo; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; các phương pháp tác nghiệp báo chí đa phương tiện; việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, thực hiện cơ chế tự chủ cho hoạt động báo chí… đã được lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ, nhờ đó, giúp các bên hiểu sâu hơn diện mạo hoạt động báo chí của mỗi tỉnh; rút ra nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý trong hoạt động tác nghiệp báo chí. Điều quan trọng là thông qua trao đổi, học tập kinh nghiệm, chúng tôi cũng như các bạn đồng nghiệp có điều kiện "truyền lửa" đam mê, sống hết mình với nghề.
Qua trao đổi, chia sẻ, chúng tôi nhận thấy, mỗi một cơ quan Báo đều có những đặc thù, thế mạnh và cả những khó khăn riêng, nhưng điểm chung nhất đó chính là tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, tình yêu nghề của những người làm báo Đảng luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình xây dựng và phát triển của các cơ quan Báo.
Trong bối cảnh đời sống báo chí nước ta cũng như báo chí thế giới đang có nhiều chuyển động, các cơ quan Báo Đảng địa phương khu vực Tây Nguyên đã không ngừng dung nạp những phương thức làm báo mới, song vẫn luôn kiên định với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo Đảng địa phương: nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, sứ mệnh phụng sự độc giả và trung thành với tiêu chí phản ánh thông tin khách quan, chân thực, kịp thời. Dưới tác động của công nghệ thông tin và những đòi hỏi tất yếu về một nền báo chí giàu tính chiến đấu, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, các cơ quan báo Đảng các tỉnh Tây Nguyên đã và đang nỗ lực đổi mới để phát triển, từ đó tạo nên những gam màu sáng cho bức tranh đời sống báo chí của đất nước.
Đoàn công tác trao đổi nghiệp vụ với cán bộ, phóng viên Báo Kon Tum.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, các cơ quan báo Đảng địa phương khu vực Tây Nguyên đã sắp xếp tinh giản bộ máy (trung bình giảm từ 7-9 phòng xuống còn 5-6 phòng) và từng bước thay đổi cách thức quản trị của tòa soạn.
Theo đó, hiện các Báo đã và đang dần tiệm cận đến mô hình tổ chức tòa soạn đa phương tiện với đầy đủ loại hình như báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh trên các hạ tầng kỹ thuật số. Việc tổ chức sản xuất, xuất bản cũng được các báo coi trọng, đã phân loại, tích hợp thông tin từ báo in với báo điện tử. Đồng thời kết hợp với sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube để chuyển tải thông tin, đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả, vùng, miền.
Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên được đào tạo cơ bản, hàng năm được cử tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, đa phần trong số họ được trẻ hóa và không đơn thuần chỉ biết viết hoặc chụp ảnh, mà đang được đào tạo để trở thành những phóng viên "đa năng": vừa viết, vừa quay phim, vừa chụp ảnh.
Đối với báo in - một trong những thế mạnh truyền thống của các tờ báo Đảng địa phương hiện cũng được các cơ quan báo chí tập trung đổi mới hình thức, nội dung trình bày theo hướng hiện đại: nhiều ảnh, ít chữ. Hiện nay các Báo: Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai vẫn duy trì ấn phẩm báo ảnh (có dịch ra một số tiếng dân tộc như: Ê -đê, J'rai, Bahnar) nhằm phục vụ đối tượng độc giả là đồng bào dân tộc bản địa.
Có một thực tế các báo Đảng địa phương nói chung, báo Đảng khu vực Tây Nguyên nói riêng đang phải đối mặt, đó là những khó khăn về chỉ tiêu biên chế hạn hẹp; nguồn thu từ quảng cáo giảm, trong khi đó các cơ quan báo chí đang trong lộ trình thực hiện tự chủ tài chính. Để bảo đảm nhiệm vụ chính trị buộc cơ quan phải hợp đồng với đội ngũ cộng tác viên (từ nguồn sự nghiệp có thu ngoài ngân sách). Bởi vậy, việc hạch toán chi tiêu cho hoạt động của tòa soạn đang là bài toán khó đối với các cơ quan báo chí.
Điều ấn tượng với chúng tôi trong chuyến công tác lần này, ngoài phong cảnh Tây Nguyên hùng vĩ đó còn là phong cách làm việc của những người bạn đồng nghiệp trên vùng đất cao nguyên. Có thể nói, điều kiện tác nghiệp của các đồng nghiệp ở Tây Nguyên so với Báo Ninh Bình thì cũng tương đồng về mặt trang thiết bị kỹ thuật, song với các đồng nghiệp miền đất đỏ thì với họ khó khăn hơn rất nhiều. Để đến được nhiều xã trong tỉnh, phóng viên phải đi hàng trăm cây số, nhiều thôn, bản xe ô tô, xe máy chưa đến được. Muốn có nguồn thông tin, phóng viên không còn cách nào khác là phải băng rừng, lội suối, thường xuyên phải đi nhiều và đi bằng xe máy, phải xông pha vào những buôn làng xa xôi, hẻo lánh… rất gian nan, vất vả. Chứng kiến điều kiện làm việc của các đồng nghiệp nơi cao nguyên lộng gió, chúng tôi cảm nhận rõ tình yêu nghề, cảm phục sự say nghề của họ. Năng động và xông xáo, trách nhiệm và tâm huyết, họ đã làm việc một cách cần mẫn, luôn có mặt ở những địa bàn xa xôi nhất, những vùng khó khăn nhất để đem lại cho bạn đọc những trang báo đầy ắp thông tin, mang hơi thở cuộc sống.
Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo Ban Biên tập và các bạn đồng nghiệp dẫn đi tham quan một số cơ sở sản xuất lớn của các địa phương như: Nhà máy Alumin Nhân Cơ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; thăm công trình Tượng đài anh hùng N'Trang Lơng (Đắk Nông). Đặc biệt, chúng tôi đã được mục sở thị Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai tại huyện Mang Yang (một trong 3 trung tâm chế biến rau quả hiện đại của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Ninh Bình). Đây là tổ hợp nhà máy chế biến nông sản tự động hóa lớn nhất vùng Tây Nguyên.
Đoàn công tác thăm và làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai.
Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động (năm 2019 đến nay), vùng nguyên liệu của DOVECO Gia Lai đạt gần 25.000 ha. Trong năm 2022, đơn vị đặt mục tiêu mở rộng diện tích liên kết lên đến 50.000 ha. Ngoài việc tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, DOVECO Gia Lai còn tạo việc làm ổn định cho gần 500 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 10,5 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động hiệu quả của DOVECO Gia Lai không chỉ giúp tỉnh giải quyết bài toán sinh kế cho người dân mà còn là vấn đề xã hội rộng lớn, tạo tiền đề cho việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao ở tỉnh Gia Lai nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.
Một điều rất đỗi tự hào mà các bạn đồng nghiệp ở các Báo bạn đã thông tin cho chúng tôi: Với đặc thù là vùng đất mở, Tây Nguyên trở thành nơi hội tụ của hầu khắp các dân tộc anh em sinh sống trên mọi miền Tổ quốc, trong đó có không ít người Ninh Bình đã đến đây khai cơ, lập nghiệp và xem đây là quê hương thứ hai. Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi thực sự xúc động trước tình cảm chân thành, nồng hậu của những người con Ninh Bình trên cao nguyên đầy nắng gió. Khó có thể thống kê đầy đủ những gương mặt điển hình trong lao động sản xuất, trong xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, chỉ biết rằng người Ninh Bình với đức tính cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, đoàn kết, đã và đang đóng góp, xây dựng cho quê hương thứ hai ngày thêm phồn thịnh.
Sẵn lòng sẻ chia kinh nghiệm làm báo, các bạn đồng nghiệp ở các Báo bạn cũng không quên giới thiệu, đưa chúng tôi đi tham quan những di tích văn hóa, lịch sử mang đậm nét đặc trưng văn hóa của vùng đất cao nguyên đầy nắng, gió: Bảo tàng, Nhà thờ gỗ (Kon Tum); Biển Hồ Pleiku (Gia Lai); Vườn quốc gia Yok Don (Đắk Lắk)… Được tham gia lửa trại, cảm nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bên ánh lửa bập bùng giữa nhà rông Tây Nguyên và cùng tham gia vũ điệu nồng nàn với các chàng trai, cô gái J'rai, Bahnar chân chất, hiền hòa...
Tạm biệt Tây Nguyên xanh, chúng tôi trở về với Cố đô Hoa Lư thân thương, lại tiếp tục công việc làm báo thường nhật. Song những kỷ niệm của chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm sẽ còn đọng mãi trong tâm trí mỗi người với những ánh mắt sáng lấp lánh và nụ cười của đồng nghiệp nơi cao nguyên huyền thoại… Hy vọng trong tương lai không xa sẽ được đón tiếp các bạn đồng nghiệp báo Đảng địa phương khu vực Tây Nguyên trên đất Cố đô Hoa Lư anh hùng.