Trong đó, các mô hình "Dân vận khéo" trên lĩnh vực kinh tế đã mở ra cơ hội và điều kiện thuận lợi cho nhiều hội viên, phụ nữ có thêm thu nhập, việc làm…
Mô hình "Dân vận khéo" của chị Nguyễn Thị Oanh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm 2, Đông Thôn, xã Yên Thái, huyện Yên Mô là mô hình có sức lan tỏa mạnh mẽ. Vừa đảm nhiệm công tác Hội, vừa phải chăm lo phát triển kinh tế gia đình trong điều kiện chồng bị bệnh hiểm nghèo, chị Oanh đã tìm đến nghề tiểu thủ công nghiệp đan cói xuất khẩu như một "cứu cánh" để có thu nhập vào những lúc nông nhàn. Từ năm 2009 chị bắt đầu về các làng nghề truyền thống ở huyện Kim Sơn để học nghề.
Biết chút ít về nghề, chị Oanh đã vận động thêm 7 chị em họ hàng, những người cùng xóm để dạy nghề và cùng làm. Vừa học nghề vừa làm nghề, chị còn mạnh dạn tìm đến các doanh nghiệp cói ở Kim Sơn để được tư vấn về cách thức kinh doanh, hỗ trợ dạy nghề, đầu ra cho sản phẩm… Đến khi nhóm làm cùng chị đã vững tay nghề và có thu nhập ổn định, chị Oanh nhận thấy cần thu hút thêm các chị em trong xóm, trong thôn, trong xã cùng làm để mọi người có thêm thu nhập, việc làm vào lúc nông nhàn. Mỗi thôn, chị Oanh vận động từ 3-5 chị có khả năng làm, duy trì nghề và trực tiếp đến tận nhà hướng dẫn kỹ thuật, cách thức.
"Tiếng lành đồn xa" về tổ hợp cói của chi hội trưởng phụ nữ xóm 2 đã khiến ngôi nhà chị ngày nào cũng nô nức tiếng cười, nói khi các chị em trong thôn, trong xã tìm đến để xin học nghề. Song chặng đường gắn bó với tổ hợp cói của chị Oanh cũng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có thời điểm mới làm, nhiều sản phẩm bị trả lại do không đạt chất lượng, rồi tiền công bị chậm trả… Vừa phải lo thuyết phục, vận động để chị em không chán nản, vừa phải lo tiền để ứng cho những chị em còn gặp khó khăn. Chị Oanh còn phải kiên trì thuyết phục các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, tập trung học hỏi các mẫu mã mới… Trong hoàn cảnh đó, nhận thấy mô hình của chị Oanh cần được sự quan tâm, hỗ trợ để duy trì hoạt động, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương, Hội Phụ nữ xã đã quan tâm hỗ trợ chị Oanh làm thủ tục vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội. Rồi chi hội phụ nữ cũng cho chị vay không lấy lãi… Khi tổ hợp đã đi vào hoạt động ổn định, cứ đều đặn vào ngày 20 hàng tháng, sau mỗi đợt nhập hàng, kể cả lúc công ty chưa có tiền, chị Oanh vẫn bỏ tiền của gia đình thanh toán đầy đủ tiền công cho chị em. Từ thành công của tổ hợp tại địa phương, từ năm 2012 tổ hợp của chị oanh tiếp tục mở rộng nghề cói sang các xã Yên Thành, Yên Thắng. Tổ hợp còn đẩy mạnh phối hợp với các công ty để truyền nghề, đào tạo nâng cao tay nghề cho đến nay là 9 lớp với trên 120 lao động học nghề.
Qua nhiều năm hoạt động, tổ hợp cói của chị Nguyễn Thị Oanh đã góp phần giải quyết việc làm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị và nhiều hội viên phụ nữ. Với kinh phí đầu tư cho tổ hợp là 500 triệu, thu nhập trung bình trừ các khoản chi phí, gia đình chị có thu nhập từ 200- 250 triệu đồng/năm. Đến nay, tổ hợp đã tạo việc làm cho khoảng 250 lao động tại địa phương và các xã lân cận, trong đó lao động thường xuyên là 130 người, thu nhập bình quân của mỗi lao động từ 1- 3 triệu đồng/tháng… Thành công từ mô hình tổ hợp cói, chị Oanh và chi hội phụ nữ xóm 2 còn mạnh dạn đăng ký mô hình "Dân vận khéo" vận động chị em tham gia sản xuất cây vụ đông, phấn đấu làm hết các diện tích đã được quy hoạch. Năm 2016 chi hội đã trồng được 3.600m2 cây hành hoa xuất khẩu, cấy 4.000 m2 lúa, làm thủy lợi nội đồng thu được 13 triệu đồng xây dựng quỹ Hội, chăm lo cho hội viên… Từ các hoạt động tích cực, hiệu quả do các mô hình "Dân vận khéo" đem lại, 5 năm qua chi hội phụ nữ xóm 2 Đông Thôn đã giúp được 5 hộ phụ nữ đứng chủ thoát nghèo.
Để thực hiện việc xây dựng hiệu quả các mô hình "Dân vận khéo" trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã chủ động xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gia đình, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi kém hiệu quả sang nuôi, trồng cây, con mới có giá trị kinh tế cao. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo", Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh, hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy để thảo luận, thống nhất xác định lĩnh vực trọng tâm, chủ động xây dựng, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch quyết liệt, dứt điểm, toàn diện, hướng mạnh về cơ sở, tập trung xây dựng mô hình đã đăng ký thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và nhân diện mô hình hiệu quả.
Trong đó, quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Hội Phụ nữ các cấp đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền có sự gắn kết giữa phong trào thi đua "Dân vận khéo" với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua, cuộc vận động do Hội và địa phương phát động, qua đó thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Hội LHPN tỉnh ký kết chương trình phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh và Hội Nông dân tỉnh về đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2021, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện trong hệ thống Hội. Từ công tác dân vận, các cấp Hội đã vận động hội viên, phụ nữ thực hiện liên kết sản xuất, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Một số mô hình nổi bật được thực hiện thành công từ việc vận dụng "dân vận khéo": Vận động, tư vấn, hỗ trợ thành lập HTX Tiên Phong tại xóm Chùa, xã Yên Từ, huyện Yên Mô với 17 gia đình tham gia liên kết trồng cây ăn quả kết hợp nuôi cá với diện tích 3 ha; Mô hình liên kết sản xuất, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại tổ 12, phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp đã hỗ trợ 1 hội viên khởi nghiệp bán hàng ăn sáng với số tiền 20 triệu đồng; Mô hình phối hợp với Công ty Phân lân Ninh Bình chuyển giao khoa học kỹ thuật và cung ứng sản phẩm chất lượng tại 22 xã của huyện Kim Sơn nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình…
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ thành lập 8 tổ liên kết sản xuất, điển hình như: tổ liên kết sản xuất nấm tại xã Khánh Công; tổ liên kết trồng bí xanh tại xã Khánh Hải; tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ tại xã Khánh Hồng - huyện Yên Khánh; tổ liên kết sản xuất chiếu cói tại xã Yên Lộc; tổ liên kết trồng cây thuốc nam tại xã Kim Hải, huyện Kim Sơn... đã cung cấp sản phẩm an toàn, có chất lượng cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm gia đình hội viên, phụ nữ.
Bùi Diệu