Những người làm nghề trang điểm trên địa bàn Ninh Bình chủ yếu "đầu quân" cho những ảnh viện áo cưới với công việc chính là trang điểm cô dâu, trang điểm cá nhân phục vụ dạ tiệc, hội nghị, tham gia các sự kiện...Với thời gian học trung bình từ 3 đến 6 tháng là một người có thể trở thành nhân viên trang điểm. Nguyễn Thị Thanh Hường, nhân viên trang điểm của ảnh viện áo cưới Thanh Hằng (Thành phố Ninh Bình) tâm sự: Em học lớp trang điểm trên Hà Nội 6 tháng, sau đó về Ninh Bình làm cho gần nhà. Thu nhập bình quân những tháng cao điểm (mùa cưới) với một nhân viên lâu năm như em có thể lên tới 7 triệu đồng/tháng nhưng vào những lúc không có việc thì thu nhập chỉ từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Công việc cũng phù hợp với những gì em được học, đó là trang điểm cho cô dâu, chú rể trong lúc chụp ảnh cưới và tại lễ cưới. Ngoài ra những lúc vắng khách, chúng em nhận trang điểm cá nhân cho những người tham gia dạ tiệc, hội nghị, sự kiện...với mức từ 150.000 đến 200.000đồng/lần.
Nhưng làm nghề này cũng không ít áp lực, những lúc khách đông, phải làm từ sáng đến 9 giờ tối, nhịn qua trưa là chuyện bình thường. Có những hôm phải "chạy xô" ngày 3 chỗ để trang điểm cô dâu, có nơi cách nhau 20 cây số mà vẫn phải đi xe máy ôm theo bộ đồ nghề trang điểm...Khi nói về nghề của mình Hường miêu tả: Đơn giản là làm cho người khác đẹp hơn. Những gương mặt góc cạnh trở nên bầu bình hơn, làn da không mịn màng trở nên hấp dẫn hơn, bờ môi to dầy trở nên quyến rũ hơn, cặp mắt nhỏ trở nên sắc sảo và có chiều sâu hơn...- Đó là những thành quả của người làm nghề trang điểm để cho những "thượng đế" của họ đẹp rạng ngời trong các sự kiện, các ngày lễ quan trọng. Ngoài những kỹ thuật mà họ được đào tạo, những người làm nghề trang điểm cần có năng khiếu thẩm mỹ và "đôi tay phù thủy" để có thể "múa" trên hàng nghìn, hàng vạn khuôn mặt không ai giống ai.
Theo Hoài Linh, nhân viên trang điểm của áo cưới Ly Khánh thì nghề trang điểm đòi hỏi năng khiếu về cảm nhận màu sắc, bố cục hình khối, bố cục ánh sáng...để mỗi một gương mặt có cách trang điểm hợp lý riêng. Nếu không có năng khiếu bản thân cũng như chăm chỉ rèn luyện tay nghề, cập nhật những phong cách trang điểm mới, hiện đại mà chỉ theo những mô típ đã được học thì người làm nghề trang điểm rất dễ bị đào thải. Bên cạnh đó người làm nghề trang điểm cũng cần có kiến thức về mỹ phẩm để sử dụng sao cho hiệu quả. Linh cho biết: Học nghề đã khó, trụ được với nghề còn khó hơn vì nghề này như làm dâu trăm họ, không những phải biết chiều lòng khách mà còn phải tư vấn khéo léo làm sao để khách hàng hiểu thế nào là đẹp, là ấn tượng, là phù hợp với lứa tuổi cũng như mục đích của sự kiện mình tham gia. Hoài Linh trải lòng: Mình đã từng gặp trường hợp khách nhiều tuổi nhưng cứ đòi trang điểm cho thế nào thật trẻ như gái hai mươi, tiền nong không quan trọng. Gặp những khách như thế, nếu một người không có "tâm" với nghề sẽ nhận tiền rồi trang điểm kệch cỡm, không phù hợp nhưng mình phải lựa lời tư vấn để khách hiểu mà không tự ái...Có cô dâu khi trang điểm nhiều người nhà đi theo, mỗi người một ý, nếu như nghe theo tất cả lời mọi người mà trang điểm thì cô dâu sẽ trở thành... nhân vật trong phim hoạt hình.
Có những bạn trẻ hâm mộ gu Hàn Quốc, cứ bắt đánh mắt to, tròn theo kiểu nữ sinh Hàn Quốc trong khi bạn đó có đôi mắt một mí kiểu Nhật Bản...Muôn hình vạn trạng, có lúc mình đã thất bại trong việc thuyết phục thượng đế khiến họ bỏ cửa hàng, sang ảnh viện khác nhưng mình không thấy buồn vì mình sống đúng với cái tâm của nghề. Còn Thúy Mai, nhân viên trang điểm của ảnh viện áo cưới Thu Hường thì tâm sự: Trang điểm chỉ là giúp che đi những khuyết điểm trên khuôn mặt, dùng "màu sắc" giúp tôn lên những ưu điểm chứ không phải biến người xinh thành người xấu, biến người mặt tròn thành mặt trái xoan được nhưng không phải khách hàng nào cũng hiểu được điều này. Nhiều khi chúng tôi bị khách chê là trình độ kém do không làm được những việc "không tưởng" ấy, nhưng cũng đành ngậm ngùi vậy...
Sau một khoảng thời gian ban đầu hoạt động tự do hoặc tích lũy kinh nghiệm tại các ảnh viện áo cưới hay hiệu làm tóc, nhiều người theo nghề trang điểm tự mở cửa hiệu riêng để kinh doanh. Tuy nhiên, giỏi chuyên môn không có nghĩa là sẽ thành công ở công việc quản lý và kinh doanh khi điều hành một ảnh viện áo cưới. Thanh Hường, người từng là nhân viên trang điểm cứng của ảnh viện áo cưới Thanh Hằng sau 3 năm làm nghề đã mở được cửa tiệm riêng nhưng cô tâm sự: Gian nan, vất vả lắm, không chỉ trang điểm đơn thuần mà phải quản lý, xây dựng thương hiệu để khách đến với mình, nhớ đến mình.
Với những người làm nghề trang điểm cũng vậy, đôi khi chỉ một nụ cười, một lời cảm ơn hay đơn giản là nhìn thấy "sản phẩm" của mình đẹp rạng ngời, nhận được nhiều lời khen từ phía mọi người cũng làm họ ấm lòng bởi với nhiều người trong nghề họ coi đó là một tác phẩm sáng tạo của mình được ghi nhận.
Bài, ảnh: Đức Quỳnh