3h sáng ngày 11/10, mực nước tại bến Đế là 3m96; đến 14h đạt mức 4m71; lúc 16h ở mức 4m83... Trong khi đó, suốt ngày 11/10, tình hình mưa trên địa không ngớt, xuất hiện nhiều trận mưa to và lượng mưa trung bình đo được trong ngày khoảng gần 200mm, cá biệt nhiều huyện, thành phố có lượng mưa trên 300mm.
Với diễn biến phức tạp của mưa lũ, chiều 11/10, tại huyện Gia Viễn, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng tiểu ban Tiền Phương (Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh), Tiểu ban Tiền phương đã bàn biện pháp đối phó với lũ trên sông Hoàng Long.
Trên cơ sở báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, mưa to, nước lớn đã gây thiệt hại không nhỏ cho các xã ven đê thuộc các huyện Nho Quan, Gia Viễn và một số khu vực khác trong tỉnh.
Bước đầu thống kê có hàng ngàn ngôi nhà bị ngập, trong đó có gần 600 ngôi nhà khu vực ngoài đê Hoàng Long bị ngập hoàn toàn; trên 3.000 ha thủy sản của Nho Quan, Gia Viễn bị ngập; gần 2.000 ha lúa bị ngập úng, trong đó có khoảng 200 ha ngập trắng; nhiều đoạn đê, kè, kênh bị hư hỏng, sạt lở.
Dự báo mưa vẫn chưa dứt, mực nước tại Hưng Thi còn lên cao..., do vậy lũ trên sông Hoàng Long vẫn còn khả năng tiếp tục lên. Nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng nhất là tập trung chống lũ trên sông Hoàng Long, bảo vệ các tuyến đê Hoàng Long, trong đó giữ an toàn cho tuyến đê tả Hoàng Long. Phương án xả tràn Lạc Khoái cũng đã được tính đến.
Trong cuộc họp, Tiểu ban Tiền phương đã tập trung rà soát lại phương án xả tràn, công tác chuẩn bị, nhiệm vụ, chức năng của các cơ quan, đơn vị được phân công... và thống nhất trước 18h các cơ quan đơn vị phải tập kết tại vị trí được phân công, ứng trực xử lý sự cố và xả tràn khi có lệnh.
Theo thiết kế tràn Lạc Khoái khi mức nước trên sông Hoàng Long tại bến Đế là 4,9m thì báo động khẩn cấp và khi đạt mức 5,3 m thì xả tràn. Nếu phải xả tràn Lạc Khoái, huyện Nho Quan sẽ có 8 xã và Gia Viễn có 4 xã bị ảnh hưởng với khoảng 20 vạn dân bị ảnh hưởng.
Nếu xả cả tràn Đức Long - Gia Tường nhằm hạ thấp đỉnh lũ, góp phần đảm bảo an toàn cho các tuyến đê Đức Long - Gia Tường, sẽ có thêm hơn 4.300 hộ dân của các xã Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân, Gia Thủy phải sơ tán.
Lực lượng Công an giúp nhân dân di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: Đức Lam
Đúng giờ "G", 100% các lực lượng như Công an, Quân đội, các sở, ban, ngành, địa phương có mặt tại vị trí được phân công, túc trực 24/24 để chống lũ. Tình hình mưa lũ diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh đã phát lệnh di dân khẩn cấp lúc 18h ngày 11/10 và chuẩn bị sẵn sàng xả tràn cứu đê.
Đêm 11/10 mưa có ngớt, nhưng nước sông vẫn cứ nhích dần lên. Đến 9h15 mực nước tại bến Đế đã ở mức 5m27. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp tục đi kiểm tra, thị sát các tuyến đê thuộc khu vực Nho Quan, Gia Viễn.
Lúc 10h, phát hiện đoạn tường kè đê Đức Long bị rò dưới chân, nguy cơ vỡ rất cao, huyện Nho Quan đã khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện gia cố tường kè, đồng thời yêu cầu các hộ dân đối diện với tường kè khẩn trường di rời, sơ tán ra khỏi nơi nguy hiểm.
23h ngày 11/10, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã hội ý nhanh với Tiểu ban Tiền phương, nghe báo cáo kết quả công tác di dời dân và tài sản vùng nguy cơ xả lũ đến nơi an toàn; công tác đảm bảo an ninh trật tự, công tác canh gác và hoành triệt các cống trên đê; ý kiến của huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, của các cơ quan chuyên môn và yêu cầu các xã có đê cử lực lượng kết hợp Công an tuần tra đê liên tục; phát hiện kịp thời các sự cố,15-20 phút báo về Ban chỉ huy Tiền phương. Chỉ đạo huyện Gia Viễn xử lý triệt để các mang cống, cách cống dưới đê bị rò rỉ trên tuyến đê tả; cơi cao bể xả trạm bơm Đồng Chưa.
Việc tập kết vật liệu hộ đê được triển khai từ sớm. Ảnh: Đức Lam
Sau khi nghe ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các địa phương và tình hình thực tế, tỉnh quyết tâm giữ ở mức nước tại bến Đê là 5m6; nếu mực nước vượt quá mức này sẽ cân nhắc, tính toán trên cơ sở đê tả Hoàng Long vẫn an toàn.
2h ngày 12/10, xử lý mang cá bể xả trạm bơm Gia Lạc bị rò. 3h ngày 12/10, tràn đoạn đường trước cửa Đền Vực, chiều dài tới gần 200m. Lực lượng Quân đội được điều động đến nơi, cơi thêm trạch đất; ngoài ra dọc tuyến đê hữu đến tràn Lạc Khoái nhiều điểm cao trình thấp nước mấp mé hoặc tràn đều được cơi nới, đắp con trạch đất.
Đến 4h30 ngày 12/10, mực nước tại bến Đế là 5m49 và lúc 7h25 là 5m53; lúc 10h15 là 5m49; nhưng thủy triều đang ở con nước cao nên việc tiêu thoát nước trên sông Hoàng Long chậm. Các lực lượng vẫn đang cố gắng đến mức cao nhất để không phải xả tràn. Ai cũng hy vọng không còn mưa to ở thượng nguồn và trong vùng nữa thì có thể sẽ không phải xả tràn…
Sáng 12/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã về Ninh Bình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát đập tràn Lạc Khoái (Gia Lạc, huyện Gia Viễn) và chỉ đạo công tác ứng phó với ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều.
Đó nguồn động viên lớn lao đến với cán bộ và nhân dân Ninh Bình, đặc biệt là những cán bộ và người dân đang ở nơi rốn lũ. Thủ tướng đã đánh giá cao tinh thần chủ động của tỉnh trong việc hạn chế thiệt hại, chỉ đạo di dân, chủ động phương án phân lũ, theo dõi sát tình hình, có căn cứ khoa học chưa xả lũ khi mực nước đã dâng trên 5,50 m. Đến nay, phương án này được xem là sáng suốt, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Mặc dù cuộc chiến chống "giặc thủy" trên sông Hoàng Long đợt này vẫn chưa kết thúc, nhưng có thể nói đây là một đỉnh cao mới trong công tác phòng chống lũ trên sông Hoàng Long của tỉnh.
Đinh Chúc