Năm nay là năm thứ 3 Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh đưa môn giáo dục kỹ năng sống trở thành một trong 16 bộ môn học hè. Trao đổi với anh Đàm Văn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm được biết: Sau khi tham khảo, học tập kinh nghiệm ở một số Trung tâm Thanh, thiếu nhi, Cung thiếu nhi các tỉnh, thành phố lớn, chúng tôi nhận thấy bộ môn giáo dục kỹ năng sống được nhiều phụ huynh đón nhận và hưởng ứng tích cực. Tìm hiểu kỹ về bộ môn mới thấy được sự cần thiết của việc giáo dục kỹ năng sống cho lứa tuổi thanh, thiếu niên bởi phần lớn các gia đình hiện nay theo mô hình có từ 1- 2 con nên mọi sự quan tâm, chiều chuộng đều dành cho con, khiến nhiều em ngoài việc học ra, không biết làm bất cứ một việc gì khác. Thậm chí, có em như một con "rô bốt", chỉ biết học và học, chỉ cần nhờ một chút việc trong nhà hay trước một tình huống cần sự ứng xử là… vô cùng lúng túng. Ngay từ năm đầu tiên tổ chức lớp kỹ năng sống, vẫn còn nhiều phụ huynh chưa hiểu hết về ý nghĩa của môn học. Có người đưa con đi học vì tò mò hoặc còn nghi ngại… Năm đầu tiên tổ chức với 1 lớp, thu hút 80 học sinh tham gia với nhiều nội dung hấp dẫn đã bước đầu đem lại niềm tin cho phụ huynh và học sinh. Năm thứ 2 tăng thêm 2 lớp và năm nay dự kiến là 3 lớp đã cho thấy nhiều gia đình, phụ huynh bắt đầu quan tâm đến bộ môn mới mẻ này.
Đem theo nhiều băn khoăn vì bản thân cũng là một bà mẹ có con đang độ tuổi thiếu niên, tôi đến dự buổi khai mạc lớp giáo dục kỹ năng sống năm thứ 3 của Trung tâm. Ngay từ sáng sớm, học sinh đến lớp được mặc đồng phục, bắt đầu vào buổi học đầu tiên với các trò chơi và màn chào hỏi, giới thiệu về bản thân khá hấp dẫn và ấn tượng. Lớp học kỹ năng sống hôm đó không có hình thức của một buổi học truyền thống, mà sau lời giới thiệu của cô và trò, cả những em rụt rè, bẽn lẽn và những em bạo dạn đều hòa chung không khí của lớp học. Cô giáo Nguyễn Thu Trang, giảng viên Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên Hà Nội, là cô giáo trực tiếp giảng dạy tại lớp học cho chúng tôi biết: Kỹ năng sống là một tập hợp các kỹ năng mà con người có được thông qua giảng dạy hoặc kinh nghiệm trực tiếp được sử dụng để xử lý các vấn đề, câu hỏi thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tại nhiều quốc gia, thanh, thiếu niên được học kỹ năng sống về những tình huống sẽ xảy ra trong cuộc sống, cách đối diện và đương đầu với những khó khăn và cách vượt qua những khó khăn đó cũng như cách tránh những mâu thuẫn, xung đột, bạo lực giữa người và người…
Tại Ninh Bình, mới chỉ là năm thứ 3 chương trình giáo dục kỹ năng sống được triển khai nhưng đây là hoạt động rất cần thiết trong việc giáo dục trẻ em. Bởi học kỹ năng sống là các em được học kỹ năng học tập nhóm để phát triển năng khiếu, sở trường, bộc lộ những khả năng như: giải quyết tình huống, sự quan tâm, chia sẻ về tình yêu thương gia đình, rèn luyện các kỹ năng hòa nhập cộng đồng, biết cách hoạt động nhóm… Học kỹ năng sống còn giúp hướng dẫn, khai thác khả năng, tư duy của các em, là những yếu tố cần thiết đến sự phát triển của trẻ. Tại lớp giáo dục kỹ năng sống, trong thời gian 10 ngày, các em được học về kỹ năng giải quyết tình huống (trên đường đến trường, ở nhà, khi giao tiếp…), kỹ năng tiết kiệm thời gian, bài giảng cảm xúc về tình yêu thương gia đình, chơi các trò chơi phù hợp với lứa tuổi…
Kết thúc lớp học, Trung tâm Thanh, thiếu nhi còn quan tâm tổ chức cho các em đi thực tế một ngày tại một số đơn vị quân đội, học cách làm một số món ăn, trình bày bàn ăn, đi thăm, tặng quà cho bạn học sinh nghèo vượt khó học giỏi, giao lưu với giáo viên người nước ngoài… Lớp học kỹ năng sống kết thúc, hỏi chuyện em Nguyễn Văn Tùng (phường Đông Thành), em cho biết: Qua học kỹ năng sống, em hiểu thêm ở độ tuổi của mình nên làm những việc gì, không nên làm việc gì, trước các tình huống nên xử lý như thế nào là đúng và phù hợp…
Đặc biệt, qua bài giảng về tình yêu thương gia đình, em hiểu thêm bố mẹ mình đã vất vả như thế nào để em được học tập, có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Với các bậc phụ huynh, như chia sẻ của chị Lê Thị Mai, phụ huynh của em Nguyễn Văn Tùng: Được học tập về kỹ năng sống đã giúp cho con tôi tự tin hơn trong giao tiếp, về nhà biết chia sẻ, giúp đỡ bố mẹ việc làm và có những việc làm, tuy nhỏ thôi nhưng khiến bố mẹ vui vì con đã có những suy nghĩ đúng đắn…
Theo anh Đàm Văn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh: Hiệu quả từ các lớp giáo dục kỹ năng sống ba năm qua được nhiều phụ huynh và học sinh đánh giá cao vì có tác dụng thiết thực đến việc hình thành suy nghĩ, thói quen, cách ứng xử của trẻ em.
Từ các lớp kỹ năng sống đã tổ chức, Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để đưa các nội dung thiết thực, phù hợp vào giảng dạy như: hướng dẫn các kỹ năng thực hành xã hội cho thiếu niên, nhi đồng về cách nấu ăn, sử dụng các trang thiết bị trong gia đình, cách chăm sóc người già, trẻ em, cách ứng xử với các tình huống giao thông, tình huống khi gặp tai nạn, khi gặp kẻ xấu…
Bùi Diệu