Tập "Ma thuật ngón" được lựa chọn, vượt qua bốn tập thơ khác ở vòng chung khảo, gồm "Những ngọn triều nhục cảm" (Đỗ Doãn Phương), "Đêm và những khúc rời của Vũ" (Lê Vĩnh Tài), "Vươn tới sự tự do" (Nguyễn Thế Hoàng Linh) và "Thức ăn của ngày hôm nay" (Đỗ Trí Vương).
Nhà thơ Giáng Vân, trưởng ban thẩm định cũng cho biết, họ đã rất khó khăn để chọn một giải thưởng duy nhất trong năm tập thơ được in và giới thiệu năm nay. Và Trần Tuấn, một nhà thơ thế hệ 6x, với những chiêm nghiệm sâu xa, câu chữ điềm đạm nhưng lại "riết róng cái ý hướng làm mới" đã được đánh giá cao hơn, mặc dù các thành viên Ban thẩm định cũng dành rất nhiều ngôn từ ưu ái cho sự cách tân tự nhiên và táo bạo ở các tập thơ của những tác giả trẻ khác.
Trần Tuấn sinh năm 1967 tại Hà Nội, hiện là phóng viên báo Tiền phong tại Đà Nẵng. Vừa làm báo, anh cũng là một người làm thơ khá quen thuộc. Ma thuật ngón là tập thơ thứ hai của anh.
Giải thơ Bách Việt bắt đầu phát động từ tháng 4-2008, đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người viết trong cả nước và nước ngoài, với 315 tập thơ gửi về dự thi. Con số đó, cùng với năm tập thơ dày dặn đã cho thấy một dòng chảy mãnh liệt của thơ Việt đương đại tưởng đã chìm lấp trong đời sống hiện đại ngày nay.
Ông Lê Thanh Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Sách Bách Việt cho biết, đây sẽ là giải thường niên, được tiếp tục vào các năm sau. Năm thứ hai của giải bắt đầu nhận bản thảo từ ngày 1-12-2008 và sẽ kết thúc ngày 30-11-2009. Ban thẩm định vẫn là các nhà thơ Giáng Vân, Phùng Tấn Đông, Thi Hoàng, Ý Nhi và Nguyễn Bình Phương.
Tiếp nối thành công của giải thưởng thơ, Công ty Bách Việt cũng vừa công bố phát động Giải Văn 2009 dành cho thể loại tiểu thuyết, với giải thưởng 40 triệu đồng, bắt đầu từ nay đến ngày 31-12-2009. Hội đồng thẩm định giải văn gồm các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Nguyễn Việt Hà, Trần Nhã Thụy và nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái.
Ông Lê Thanh Huy tiết lộ, tiếp theo các giải thưởng thơ và văn này, những năm sau nữa Công ty Bách Việt sẽ tiếp tục tổ chức giải thưởng dành cho các thể loại khác như phê bình, phóng sự…
Khởi đầu là giải Lá trầu của Công ty Truyền thông Eva, sự ra đời liên tiếp của các giải thưởng văn học tư nhân thời gian gần đây đã báo hiệu một xu hướng mới, thúc đấy nhu cầu xã hội hóa văn chương. Bổ sung vào hệ thống giải thưởng của Nhà nước, các giải thưởng tư nhân này đã không chỉ giới thiệu những sáng tạo, tìm tòi mới mẻ của người viết, mà còn mở rộng biên độ tiếp nhận và đánh giá của người đọc, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học nước nhà.
Theo NDĐT