"Đề nghị Nhà nước tăng cường đầu tư ngân sách cho công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ tạo bước đột phá để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, xây dựng chính sách đãi ngộ thỏa đáng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia công tác này". Bộ Khoa học - Công nghệ đã trả lời kiến nghị nêu trên. Nội dung như sau:
1. Về đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyên giao công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Trong những năm qua, Nhà nước luôn quan tâm và ưu tiên đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Việc đầu tư từ ngân sách khoa học và công nghệ (KH&CN) cho mục tiêu này ngày càng tăng và được thực hiện thông qua các hình thức dưới đây:
1) Cân đối trực tiếp qua ngân sách địa phương cho hoạt động KH&CN của các tỉnh, thành phố với tỷ trọng đạt 30-31% tổng đầu tư cho hoạt động KH&CN hàng năm của cả nước (bao gồm kinh phí đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp khoa học), trong đó nhiều địa phương đã dành tỷ lệ đầu tư cao cho các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.
2) Cân đối qua kinh phí hoạt động KH&CN của nhiều Bộ, ngành Trung ương vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, ví dụ như Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Công thương, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam… khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm.
3) Đầu tư kinh phí từ ngân sách và ngoài ngân sách cho các chương trình, đề tài, dự án KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước với các nhiệm vụ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Cụ thể, trong các năm 2006-2009 Nhà nước đã đầu tư hàng năm vài trăm tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN thuộc các chương trình cấp Nhà nước theo yêu cầu đặt hàng của các địa phương. Ví dụ như: Chương trình "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn" (Chương trình KH&CN KC.07); Chương trình "Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực" (Chương trình KH&CN KC.06 phục vụ nông thôn, miền núi); Chương trình "Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học" (Chương trình KH&CN KC.04 phục vụ nông thôn, miền núi); Chương trình trọng điểm "Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020"; Đề án "Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020"…
Ngoài ra, mỗi năm Nhà nước còn dành hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách KH&CN Trung ương để triển khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố các nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách của các tỉnh, thành, ví dụ như các dự án thuộc Chương trình "Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi đến năm 2010" (Chương trình nông thôn - miền núi).
Sự tăng cường và tập trung đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho nông nghiệp và nông thôn trong thời gian qua đã tạo được những bước đột phá quan trọng trong:
- Tuyển chọn, lai tạo và nhân nhanh bằng công nghệ cao các giống cây trồng, giống vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt;
- áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản Việt Nam;
- Nghiên cứu và áp dụng có hiệu quả các giải pháp và công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, đặc biệt là các giải pháp chống tổn thất sau thu hoạch đối với lúa ở đồng bằng sông Cửu Long và cây ăn quả;
- Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển dịch vụ nông thôn, khôi phục và phát triển nhiều làng nghề và ngành nghề truyền thống ở nông thôn;
- Tạo lập căn cứ để hình thành nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông nghiệp và nông thôn (chế biến lâm sản và thủy, hải sản), tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông dân…
Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường đầu tư ngân sách, Bộ KH&CN cho rằng rất cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các hiệp hội và người dân để tăng cường hiệu quả đầu tư, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
2. Về xây dựng chính sách, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn
Bên cạnh việc tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thời gian qua Bộ Khoa học - Công nghệ đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành các cơ chế, chính sách sau:
- Nhóm các giải pháp hỗ trợ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hoạt động KH&CN như miễn, giảm thuế đối với các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và các dự án đầu tư vào hoạt động khoa học, đổi mới công nghệ; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp nghiên cứu khoa học; hỗ trợ doanh nghiệp và các địa phương khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ...
- Hỗ trợ đầu tư huy động tối đa lực lượng cán bộ khoa học công nghệ thuộc các tổ chức KH&CN về phục vụ địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Tăng cường đầu tư cho công tác tuyên truyền, quảng bá các thành tựu KH&CN; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và triển khai ứng dụng trong thực tiễn cho cán bộ khoa học và quản lý tại địa phương; tập huấn kỹ thuật, nâng cao hiểu biết của nông dân và trình độ của cán bộ cơ sở về KH&CN, hình thành mối liên kết giữa 4 nhà "Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp"...
- Đãi ngộ ngày càng thỏa đáng hơn đối với các cán bộ khoa học (như nâng định mức trả công lao động sáng tạo trong các nhiệm vụ KH&CN, bảo đảm các điều kiện cần thiết về tài lực, vật lực, hợp tác quốc tế để triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN...).
Trên đây là ý kiến phúc đáp của Bộ Khoa học - Công nghệ theo kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Bình, Bộ Khoa học - Công nghệ trân trọng cảm ơn sự quan tâm và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đối với sự nghiệp phát triển KH&CN nước nhà trong thời gian tới.