* Cử tri các xã Gia Sơn, Sơn Thành (Nho Quan) phản ánh chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện còn thấp so với các huyện, thị trong tỉnh. Đề nghị huyện có biện pháp chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo làm rõ nguyên nhân, có giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Về ý kiến trên, UBND huyện Nho Quan trả lời như sau: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ nhà giáo và của nhân dân, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của huyện Nho Quan đã có những chuyển biến tích cực, đó là: Quy mô trường lớp tiếp tục được duy trì và phát triển phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ, học sinh tốt nghiệp thi vào các trường Trung học phổ thông đạt tỷ lệ khá (77,6%), cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường; đến nay đã có 62 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 75,5%. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, là một huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, mặt bằng dân trí không đồng đều, xuất phát điểm giáo dục thấp, một bộ phận nhân dân chưa thật sự quan tâm đầu tư cho việc học hành của con em mình. Do đó, chất lượng giáo dục của huyện vẫn còn thấp hơn so với các đơn vị bạn.
Nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế theo Nghị quyết số 29 -NQ/T.Ư ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Kế hoạch số 94-KH/HU ngày 26-2-2014 để chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung thực hiện tốt các giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác giáo dục và đào tạo; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trình độ chuẩn và trên chuẩn về chuyên môn; thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục; huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tuyên truyền, vận động các gia đình, dòng họ quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài; phối kết hợp tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục và đào tạo.
* Cử tri xã Gia Minh (Gia Viễn) đề nghị UBND huyện cho kiểm tra, điều động thêm giáo viên được biên chế về giảng dạy tại trường THCS xã. Hiện nay, toàn trường chỉ có 8 giáo viên được biên chế, chưa có giáo viên các môn âm nhạc, họa, giáo dục công dân ảnh hưởng lớn đến hoạt động, chất lượng dạy và học của nhà trường.
Vấn đề cử tri nêu, UBND huyện Gia Viễn trả lời như sau: Sau khi công bố quyết định tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục huyện Gia Viễn năm 2013, ngày 6-12-2013, UBND huyện đã điều động 8 giáo viên biên chế (gồm 6 giáo viên mới tuyển và 2 giáo viên điều động từ trường dôi dư) về Trường THCS Gia Minh. Hiện tại, tỷ lệ giáo viên/lớp của Trường THCS Gia Minh là 2,0, vượt định mức giáo viên THCS theo quy định là 1,9 giáo viên/lớp.
* Cử tri phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) đề nghị xem xét lại việc đã thu tiền phí xử lý nước thải sinh hoạt, nhưng hiện nay nước thải sinh hoạt vẫn chưa được xử lý mà thải trực tiếp ra sông, hồ, gây ô nhiễm môi trường.
Vấn đề cử tri nêu, UBND thành phố Ninh Bình trả lời như sau: Công tác xử lý nước thải sinh hoạt trong khu dân cư là một vấn đề được thành phố rất quan tâm. Hiện nay, thành phố đang triển khai dự án xử lý nước thải, chất thải của thành phố tại khu vực ngoài đê sông Vạc thuộc phường Ninh Phong. Việc thu tiền xử lý nước thải sinh hoạt đã được Công ty TNHH MTV nước sạch Ninh Bình nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 04/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Ninh Bình sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ban hành kèm theo Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND ngày 15-12-2011.
P.B.Đ