Hiện nay, tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, mất vệ sinh đang được bán tràn lan trên thị trường nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cử tri tiếp tục đề nghị Nhà nước cần có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng trên (Ninh Bình).
Bộ Y tế xin trả lời như sau:
Trong thời gian qua, việc đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sử dụng các hóa chất, phụ gia thực phẩm đã và đang được quản lý đã có hiệu quả trên các lĩnh vực và trong phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện thực tế vẫn còn các vi phạm quy định pháp luật và gây khó khăn trong quản lý: thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được bày bán với giá rẻ; sử dụng các hóa chất độc hại trong bảo quản thực phẩm; các loại rau, quả sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm quá mức hoặc chất không được phép sử dụng trong thực phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do: (1) Một bộ phận người dân đời sống còn khó khăn vẫn chấp nhận sử dụng một số sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn; (2) Vì lợi nhuận một số tổ chức, cá nhân bất chấp các quy định của pháp luật lén lút đưa ra thị trường sản phẩm thực phẩm giả, kém chất lượng hoặc không đúng quy định; (3) Một số tổ chức địa phương chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, thậm chí buông lỏng quản lý.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai một số giải pháp cụ thể:
- Trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & PTNT theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối; tăng cường phân cấp quản lý an toàn thực phẩm về các cơ quan chức năng địa phương; tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm các biện pháp về an toàn thực phẩm…
- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm: Các cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang thực hiện nhiệm vụ đầu mối dự thảo với quan điểm thay đổi mức phạt theo hướng nặng hơn, đặc biệt là rút giấy phép và công khai tên trên các phương tiện truyền thông. Đối với hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng được chuyển qua cơ quan điều tra để truy tố theo quy định tại Điều 317 Bộ Luật hình sự với các mức độ xử lý rất nghiêm khắc.
- Tham mưu trình Chính phủ đưa vào Nghị quyết về việc phân công công chức cấp xã theo dõi hoạt động an toàn thực phẩm để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các xã, phường tại Khoản 7 Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 10/10/2017 (Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2017). Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 và Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 để tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
- Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn địa phương, tổ chức triển khai các đoàn hậu kiểm về điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm, quảng cáo thực phẩm tại các địa phương trọng điểm; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn thực phẩm trong Tháng hành động; kiểm tra theo chuyên đề, đột xuất…
- Tăng cường thông tin truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định.
- Tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, công khai các cơ sở vi phạm và rút giấy phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, để giảm tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm thời gian tới Bộ Y tế phối hợp cùng với các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và PTNT sẽ có những giải pháp về mô hình quản lý an toàn thực phẩm, trước mắt sẽ thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận/huyện, xã/phường của 9 tỉnh, thành phố theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018, kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi các luật liên quan để áp dụng cho cả nước.
(Còn nữa)