Hỏi: Theo quy định mới đây của Chính phủ, thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) của người lao động được xác định như thế nào?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 11 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động về Bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2020, thay thế Nghị định số 37/2016/NĐ-CP).
Khoản 1 Điều 11 quy định: Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ TNLĐ-BNN là tổng thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN của người lao động, không kể thời gian đóng trùng của các hợp đồng lao động; thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN nếu không liên tục thì được cộng dồn; thời gian người lao động giữ các chức danh theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 trước ngày 1/1/1998 mà được tính hưởng BHXH thì thời gian đó được tính hưởng chế độ TNLĐ-BNN.
Tuy nhiên, thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN.
Khoản 6 Điều 11 quy định, tổng số năm đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN được xác định như sau: Đối với trường hợp bị tai nạn lao động là tổng số năm đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN tính đến tháng trước liền kề tháng bị tai nạn lao động. Đối với trường hợp bị BNN là tổng số năm đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN tính đến tháng trước liền kề tháng làm công việc mà công việc đó gây ra BNN. Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN trùng nhau của các hợp đồng lao động chỉ được tính một lần. Một năm được tính khi có đủ 12 tháng đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN.
P.B.Đ