Cùng dự hội nghị còn có đại diện một số bộ, ngành, các đoàn thể ở trung ương; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trong toàn quốc tại 63 điểm cầu. Tại Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã.
Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 của Bộ Tư pháp cho thấy: Trong 12 năm qua, công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Để Luật đi vào cuộc sống, Quốc hội khóa X đã ban hành nghị quyết quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC tổ chức rà soát các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với quy định của Luật, đảm bảo hiệu lực của Luật từ ngày 1-1-2001.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức thi hành Luật cũng được quan tâm. Công tác quản lý Nhà nước về gia đình được các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện với nòng cốt là chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam đã góp phần xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp, thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, xây dựng quan hệ hôn nhân và gia đình tiến bộ, bước đầu đem lại nhiều kết quả tích cực.
Công tác hộ tịch có nhiều chuyển biến đã đảm bảo quyền nhân thân của cá nhân nói chung và quyền về hôn nhân và gia đình nói riêng.
Trong 12 năm thi hành Luật, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao sự hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền và nhân dân.
Công tác xét xử của ngành tòa án, công tác kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố của ngành kiểm sát nhân dân được thực hiện nghiêm túc...
Tại hội nghị, nhiều ý kiến tập trung vào việc thảo luận những bất cập, hạn chế trong thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, quan điểm về những định hướng trong sửa đổi, bổ sung Luật.
Đối với Ninh Bình, sau khi Luật Hôn nhân và gia đình được thông qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật thông qua nhiều hình thức: thi tìm hiểu, sinh hoạt câu lạc bộ, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý...
Thông qua hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật, tích cực tìm hiểu pháp luật của các tầng lớp nhân dân, nâng cao hiểu biết, tôn trọng và chấp hành các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Đến nay, sau 12 năm thi hành Luật, trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng tảo hôn, kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi quy định.
Những quy định mới như: xác định chế độ tài sản của vợ và chồng, chế độ sở hữu, về chia tài sản, về cấp dưỡng giữa vợ và chồng, xác định sự bình đẳng giữa nam và nữ trong hôn nhân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo...
Thực tế cho thấy những quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã bảo vệ được quyền dân sự, quyền hôn nhân và gia đình của các chủ thể trong quan hệ hôn nhân và gia đình, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Lý Nhân