Tính đến tháng 12/2014, tổng số mô hình Dân vận khéo các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đăng ký xây dựng là 781 mô hình. Các mô hình này bước đầu đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Một số mô hình đã lựa chọn những công việc không đòi hỏi nhiều về kinh phí, kỹ thuật, công nghệ để huy động sự tham gia trực tiếp của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, giải quyết có hiệu quả các vấn đề khó khăn ở cơ sở như: mô hình Phát triển kinh tế bền vững (Hội Nông dân tỉnh), chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp để trồng chuối tiêu hồng ở xã Ninh Nhất…
Đặc biệt, phong trào thi đua Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới đã vận động nhân dân đóng góp 193 nghìn ngày công, hiến 419,7 ha đất góp phần hoàn thành gần 2.000 tuyến đường giao thông nông thôn và nhiều công trình khác.
Bên cạnh đó, phong trào thi đua đã huy động được sức mạnh và quyết tâm cao của hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng tham gia, qua đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, làm thay đổi nhận thức của nhân dân về thực hành tiết kiệm, giữ gìn nét đẹp văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Nhiều hoạt động Dân vận khéo đã gắn với các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như: vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh du lịch, văn minh đô thị trước sự kiện quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình các chiến sỹ đang công tác tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa…
Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa đảng, chính quyền với nhân dân. Trong đó nổi bật là một số đơn vị đã đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân ở cơ sở; lấy ý kiến công khai trước khi quyết định những việc có liên quan đến nhân dân.
Kết luận hội nghị, đồng chí Mai Văn Tuất, TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo tỉnh đề nghị ban chỉ đạo phong trào Dân vận khéo các huyện, thành, thị ủy, Ban chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và cơ sở tập trung chỉ đạo tổ chức phát động phong trào Dân vận khéo gắn với đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng, chào mừng đại hội đảng các cấp, đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ IV và kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.
Tiến hành rà soát, đánh giá các mô hình Dân vận khéo đã và đang xây dựng để có biện pháp điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm, phổ biến, giới thiệu và nhân rộng những mô hình hoặc những cách làm đã phát huy hiệu quả thực sự ở cơ sở để đưa phong trào phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện phong trào. Quan tâm củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào thi đua Dân vận khéo sau đại hội đảng các cấp. Bên cạnh đó cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền kết quả phong trào thi đua này, giới thiệu, nêu gương người tốt việc tốt, các mô hình điển hình tiêu biểu trên Báo Ninh Bình, Đài PTTH Ninh Bình và các hình thức tuyên truyền khác.
Đào Duy-Thế Minh