Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Tiến Thành, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tất Viễn, Vụ trưởng Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp); đại diện một số Bộ, ngành ở Trung ương; đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp của 32 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc (từ Huế trở ra). Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Thi hành Pháp lệnh về hòa giải, đến nay đã có 46 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo về công tác hòa giải. Hiện 41 tỉnh, thành đã ban hành nghị quyết của HĐND hoặc quyết định của UBND quy định kinh phí hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải cho hòa giải viên theo vụ việc. 24 tỉnh, thành phố đã xây dựng được văn bản phối hợp giữa cơ quan tư pháp và Mặt trận tổ quốc trong công tác hòa giải. Toàn quốc hiện có 120.462 tổ hòa giải/128.425 thôn, tổ dân phố với 623.175 hòa giải viên, trong đó hòa giải viên có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên là 123.807 người. Tính từ 1999 đến 2008, các tổ hòa giải đã nhận 3.899.745 vụ để hòa giải với tỷ lệ hòa giải thành công đạt 80,3%. Các tỉnh có tỷ lệ thành công cao là Ninh Bình, Hòa Bình, Bắc Giang...
Thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn: 100% các tỉnh, thành phố đều đã triển khai. Đến nay cả nước có 11.263 tủ sách pháp luật cấp xã/10.999 xã, phường, thị trấn. Hầu hết các tủ sách pháp luật cấp xã đều có cơ cấu tài liệu theo quy định. Hàng năm, các địa phương đều dành một khoản ngân sách nhất định đầu tư cho tủ sách pháp luật.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đánh giá cao hiệu quả của công tác hòa giải trong thời gian qua, góp phần giảm các vụ tranh chấp và khiếu kiện vượt cấp. Một số đại biểu nêu cần bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Về xây dựng tủ sách pháp luật, một số đại biểu cho rằng cần làm tốt việc lựa chọn địa điểm, công tác quản lý, hướng dẫn khai thác tủ sách pháp luật nhằm phục vụ tốt hơn mọi tầng lớp nhân dân. Xem xét việc luân chuyển, trao đổi các loại sách giữa tủ sách pháp luật với các điểm bưu điện văn hóa xã và các thư viện trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chúc mừng các đại biểu dự hội nghị, cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Tư pháp đối với hoạt động tư pháp của Ninh Bình. Đồng chí đã thông báo sơ bộ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian qua, đồng chí nhấn mạnh: ở Ninh Bình, hoạt động hòa giải tại cơ sở, xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, giảm các vụ việc tranh chấp và khiếu nại, tố cáo...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao những thành tích đã đạt được của Sở Tư pháp các tỉnh thành trong hoạt động hòa giải ở cơ sở và xây dựng tủ sách pháp luật. Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác hòa giải và đầu tư cho tủ sách pháp luật ở cơ sở. Tập trung vào việc nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó có việc xây dựng dự án Luật Hòa giải để trình Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ thứ XII.
Về lâu dài, với chức năng nhiệm vụ của mình, ngành Tư pháp sẽ đề xuất với Chính phủ ban hành chính sách trợ giá hoặc cấp phát miễn phí sách, tài liệu pháp luật cho tủ sách phát luật, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiên cứu từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác văn bản quy phạm pháp luật và hình thành mô hình "tủ sách pháp luật điện tử" ở cơ sở nhất là ở khu đô thị, khu kinh tế phát triển.
Mạnh Dũng