Tôi thần tượng nghề báo từ khi còn là một cô bé mới lớn. Nghề báo, khi đó trong hình dung của tôi đầy ảo vọng, xa xôi, như một thế giới rộng mở đầy màu hồng với những con người nổi tiếng. Đó là chị Tạ Bích Loan, chị Diễm Quỳnh, anh Minh Vũ, anh Anh Tuấn… - Những người nổi tiếng của Truyền hình Việt Nam thời đó (Và bây giờ vẫn vậy). Thần tượng của tôi là nhà báo, người dẫn chương trình nổi tiếng Lại Văn Sâm - người tôi ngưỡng mộ khi còn là một cô bé chỉ biết ăn và học. Là sự hiểu rộng, biết nhiều. Là phong cách lịch lãm. Là tài phỏng vấn. Là sự vui nhộn…Tất cả đã nuôi dưỡng cho tôi ước mơ trở thành nhà báo để được nổi tiếng, được lung linh như họ (Sau này tôi mới biết để có được một khoảnh khắc lung linh như thế họ đã tốn bao mồ hôi, nước mắt, bao trí tuệ, tâm huyết…)
Học đại học, được biết thế nào là các thể loại báo chí, biết thế nào là: tin, phóng sự, phản ánh và thể loại làm tôi "chết mê chết mệt" là phóng sự. Tôi mê phóng sự của Xuân Ba - chất phóng sự đậm đà tính đời thường, cái lối viết cuốn hút người ta không dứt ra được, sự mô tả tường tận, chi tiết đến lạ, cảm giác như ta được sờ, được chạm, được chứng kiến. Tôi say chất phóng sự của Hùynh Dũng Nhân, những phóng sự đầy "cát bụi của đời". Tôi bị cuốn vào phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng- một cây bút trẻ trong nghề nhưng đầy đam mê, dám dấn thân đấu tranh với những mảng màu tối, những góc khuất trong xã hội. Những người tôi biết đến khiến tôi nghĩ: báo chí là nổi tiếng, là biết nhiều và được nhiều người nể phục.
Thế đấy, nghề báo trong tôi những ngày đầu đẹp tựa giấc mơ, đầy màu hồng của vinh quang nghề nghiệp. Dẫu biết rằng còn muôn vàn gian khổ phía trước, vẫn biết "nghề báo-nghề nguy hiểm", nhưng cũng như thầy giáo tôi nói "cái duyên buộc với nghề" nên con đường đã chọn tôi vẫn đi. Giờ thì tôi hiểu tại sao bố mẹ không muốn tôi chọn nghề này, muốn tôi thi sư phạm. Ngày đi tác nghiệp, thấy con gái chạy xô từ sáng đến chiều tối, đêm về còn ôm cái máy tính gõ gõ, mẹ tôi sót ruột nhìn mà giục đi ngủ bao lần. Bố tôi ái ngại: "Học văn bằng 2 sư phạm đi con, bố thấy vất vả thế, lại như mấy ông nhà báo bị hành hung trên tivi thì sao..." Câu nói bố tôi bỏ ngỏ. Biết bố mẹ lo, tôi quay lại cười và bảo: "Con không làm mảng xã hội, bố đừng lo. Con biết làm thế nào mà, biết dung hòa mà". Nói là cho bố mẹ yên tâm nhưng thực ra tôi vẫn vẫn muốn đam mê theo… phóng sự xã hội. Và cũng không ít làn tôi gặp nạn vì cái đam mê đó. Nhưng dường như khi đã chọn nghề báo như người nghiện thuốc phiện, không thể dứt ra được, mà nói một cách văn hoa là "say nghề". Tôi không biết may mắn hay không may mắn khi làm việc tại một tờ báo Đảng địa phương- điều mà tôi không bao giờ nghĩ đến khi ngồi trên giảng đường Đại học bởi nó không phù hợp với sự bay nhảy, với ước mơ muốn chinh phục, muốn có mặt tại những sự kiện nóng nhất, những vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Tuy nhiên, sau hơn chục năm làm nghề tôi thấy đây là môi trường tốt để rèn luyện, vẫn có thể đeo đuổi niềm đam mê với phóng sự một cách chững chạc, thận trọng, cân nhắc từng câu chữ khi đặt bút.
Tôi yêu nghề báo, không chỉ bởi những hào quang mà còn bởi sự nhọc nhằn trong từng câu chữ luôn rèn cho tôi sự cẩn trọng chỉn chu. Nghề báo luôn đòi hỏi sự nỗ lực, sự hy sinh. Để có những bài báo chất lượng biết bao đồng nghiệp của tôi đã phải dấn thân vào nơi nguy hiểm, trả giá bằng công sức mồ hôi.
Tôi hay nghĩ về những "rạn nứt" trong tình cảm gia đình của không ít bạn bè cùng học Đại học… mà chua xót. Bị lôi cuốn bởi công việc chúng tôi ít có thời gian quan tâm và chăm sóc người thân của mình: "Anh đang lo bài vở, chưa về được đâu, em và con ăn cơm trước đi, lát nữa xong việc anh về…" - Tôi thường xuyên nghe câu nói đại loại như vậy từ những đồng nghiệp nam (và cả nữ). áp lực công việc, áp lực thời gian đôi khi biến chúng tôi thành những người… "thất hứa, vô tâm", ít có thời gian dành cho gia đình; hoặc chỉ trở về nhà khi thân xác đã mệt mỏi rã rời, ăn uống qua loa lại vùi đầu vào bàn viết, mải mê với tài liệu, với trăn trở suy tư… bởi công việc ngày mai vẫn còn bề bộn. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng nhiều khả năng tỉ lệ "xích mích" trong những cặp vợ chồng làm báo (hoặc có người làm báo) tương đối cao so với nhiều nghề khác. Cũng đúng thôi, nghề này không chỉ đòi hỏi sự hy sinh của nhà báo mà người thân của chúng tôi cũng phải biết hy sinh và lòng cảm thông, sự sẻ chia lớn.
Tôi yêu nghề báo bởi đằng sau mỗi bài viết tràn trang, hay chỉ là một mẩu tin bé xíu, đằng sau bút danh của phóng viên cụ thể là công sức của cả tòa soạn, cả một "cỗ máy", rất nhiều người thầm lặng làm việc từ khâu thu thập tin tức, viết bài, biên tập, trình bày… Tất cả đều yêu cầu sự cẩn trọng chính xác, để cung cấp cho độc giả những tin tức kịp thời, những bài báo chất lượng.
Tôi yêu nghề báo vì cảm giác háo hức trong khoảng thời gian ngóng chờ "đứa con tinh thần" mình tâm huyết, sáng mai nó sẽ được thể hiện trong hình hài thế nào? Sự chờ đợi đó, cảm giác háo hức đó, thường làm tôi… mất ngủ, ngày mới sang điều đầu tiên của tôi là đến cơ quan (nếu không có hội nghị phải đi), tận hưởng niềm vui được thấy "đứa con tinh thần" của mình lành lặn, hoặc sẽ buồn thiu nếu nó "vắng mặt"…
Tôi vốn thích di chuyển, nghề báo đã cho tôi thỏa sức đam mê lang thang của mình. Đi để tìm tòi khám phá, để sẻ chia, để tích lũy kiến thức và vốn sống cho mình; để cảm nhận sự sâu lắng ân tình của những người dân ở những nơi tôi từng đặt dấu chân… Dẫu biết rằng, những chuyến đi như thế luôn thấm đẫm sự nhọc nhằn. Có chuyến đi gây cho chúng tôi rất nhiều xúc động, hình ảnh những em nhỏ vùng sâu vùng xa, đen đúa gầy gò, gương mặt thơ ngây phong phanh áo mỏng, tím tái trong giá rét; những ngôi nhà tuềnh toàng, gió hun hút tứ bề; những ngôi trường bàn ghế đơn sơ, chênh vênh trên vùng cao; hay giây phút các bệnh nhân hiểm nghèo khắc khoải giữa sinh và tử - Những hình ảnh đó thường khiến chúng tôi lặng đi trong nước mắt, tự thấy mình cần phải chia sẻ nhiều hơn.
Tôi có thể nói được nhiều hơn nữa, những lý do để tôi yêu nghề báo. Nhưng giữ trong tim đôi khi tốt hơn để ngoài lời. Chỉ biết rằng những tình cảm dành cho nghề báo, đích thực là "tình yêu", cũng như bất cứ tình yêu nào khác, đều… khó lý giải. Tự hứa với lòng, tôi (và có lẽ nhiều đồng nghiệp khác cũng vậy) cần sự cố gắng và hy sinh nhiều hơn nữa.
Nguyễn Khánh