Phóng viên (P.V): Xin bà cho biết, từ khi có sự thay đổi cơ quan chủ quản, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở huyện có khó khăn, thuận lợi gì?
Bà Phạm Thị Tâm: Khi công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được chuyển về ngành Lao động, Thương binh, xã hội, huyện Yên Mô đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy nhân sự các phòng, ban. Lãnh đạo Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và trẻ em (DSKHHGD&TE) được chuyển sang làm Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, chính vì thế công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em nhanh chóng đi vào quỹ đạo, không bị gián đoạn từ huyện đến cấp cơ sở. Huyện cũng đã chỉ đạo trực tiếp Phòng Lao động, Thương binh, xã hội xây dựng, hoàn thiện Hội đồng quỹ Bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ban hành việc thu, chi phải đảm bảo đúng mục đích; phát động "Tháng hành động vì trẻ em" từ huyện đến cấp cơ sở.
Tuy nhiên cũng có những ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Đối với cấp huyện, hiện nay chưa có cán bộ chuyên trách, vì vậy không có người quản lý những dữ liệu trước đây. Đối với cấp cơ sở, hiện nay vẫn còn chưa có sự phân công rõ ràng công việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thuộc về cán bộ Dân số hay Lao động, Thương binh, xã hội cơ sở, nên khi có công việc liên quan phải mời cả 2 cán bộ cơ sở lên để triển khai và cùng phối hợp.
P.V: Trong thời gian qua, Yên Mô đã có những việc làm thiết thực gì để hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em?
Bà Phạm Thị Tâm: Huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức Tháng hành động vì trẻ em, tuyên truyền rộng rãi cho toàn dân để mọi người hiểu được trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đồng thời thông qua đây tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.Toàn huyện đã kiện toàn được quỹ Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, huy động mỗi cán bộ, công nhân, viên chức trong huyện ủng hộ 1 ngày lương, mỗi gia đình ủng hộ từ 5.000 đồng trở lên, bước đầu quỹ đã thu được 25 triệu đồng. Huyện đã có kế hoạch hỗ trợ cho 2 xã Yên Thắng và Yên Mạc mỗi xã 5 triệu đồng để sửa lại sân chơi của trường Mầm non, đây được coi là công trình chào mừng Tháng hành động vì trẻ em của huyện. Ngoài ra còn tổ chức 4 đoàn đi thăm và tặng quà 78 cháu có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo học giỏi, con em các gia đình thương binh học giỏi nhân dịp 1/6 với số tiền gần 4 triệu đồng… Nhân dịp này, ngành Lao động, Thương binh, xã hội đã phối hợp với Huyện đoàn và ngành Giáo dục tổ chức lễ ra trường cho tất cả các học sinh từ cấp THCS đến Mầm non, bàn giao các cháu về địa phương. Các địa phương phải có trách nhiệm tổ chức cho các cháu các hoạt động vui chơi lành mạnh, hiệu quả, thiết thực, hạn chế tối đa trẻ em bị tai nạn, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Thu hút các em vào các hoạt động học tập, giải trí do Đoàn thanh niên các xã tổ chức.
P.V: Thời gian tới, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cần có những hướng đi như thế nào?
Bà Phạm Thị Tâm: Để công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời gian tới đạt kết quả tốt, theo tôi, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó cần tập trung vào 3 việc cần phải làm ngay. Thứ nhất, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là một chương trình trong ngành Lao động, Thương binh, xã hội. Khi Nhà nước cấp kinh phí cần phân rõ mục kinh phí cấp cho hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Thứ hai, để hạn chế tối đa việc trẻ về nghỉ hè bị các tai nạn thương tích, sa ngã vào các tệ nạn xã hội do không có một điểm vui chơi riêng thu hút các em, toàn xã hội cần phải tập trung cao độ cho việc xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em. Hiện nay số điểm vui chơi cho trẻ em của toàn huyện chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng hầu hết chưa hoạt động đúng mục đích. Hơn nữa, Nhà nước cần tăng kinh phí đầu tư xây dựng điểm vui chơi cho trẻ ở các thôn, xóm, nhanh chóng xây dựng mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em. Thứ ba, chúng ta cần xây dựng một Trung tâm bảo trợ trẻ em ở huyện để thu hút những tấm lòng hảo tâm vào việc chăm sóc, dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật.
P.V: Xin cảm ơn bà !
Nguyễn Thơm (thực hiện)