Các đại biểu cùng ôn lại lịch sử, ý nghĩa của ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Trong các thời kỳ cách mạng, phụ nữ Ninh Bình luôn tham gia tích cực, có hiệu quả, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội của tỉnh. Hệ thống tổ chức hội được xây dựng vững chắc từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay tỷ lệ tập hợp hội viên đạt 77,8% so với số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên (năm 1992 đạt 60%).
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức, trình độ và năng lực của phụ nữ được tăng cường, ngày càng được đổi mới cả nội dung và hình thức. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu. Hội đang quản lý số vốn 784,1 tỷ đồng và tổ chức nhiều hoạt động dạy nghề đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao. Công tác phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình chăm sóc phụ nữ, dân số KHHGĐ… đạt hiệu quả cao. Hiện nay có 85% gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
Công tác cán bộ nữ có nhiều đổi thay tích cực trong đó địa vị trong gia đình và xã hội của hội viên phụ nữ được nâng lên. Nhiệm kỳ 2005-2010 tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cả 3 cấp đạt 15,57%, có 1 nữ ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy, có 14 chị là Bí thư, phó bí thư đảng ủy cơ sở, nữ chủ doanh nghiệp chiếm 25% tổng số doanh nghiệp của tỉnh.
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến trao đổi đã đề cao vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đại biểu các huyện, thành, thị đưa ra nhiều kinh nghiệm về công tác cán bộ nữ, trong đó nhấn mạnh sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc tạo điều kiện cho phụ nữ học tập, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bản thân mỗi hội viên phụ nữ cũng cần cố gắng, vươn lên để có thêm nhiều cơ hội phát triển, góp phần đưa tỷ tệ nữ trong bộ máy lãnh đạo và các công tác xã hội được nâng lên.
Duy Hiền