Tại buổi tọa đàm, đại diện lãnh đạo Thanh tra tỉnh bày tỏ vui mừng được đón, tiếp và làm việc với Đoàn, đồng thời giới thiệu với Đoàn khái quát về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Thanh tra Nhà nước ở địa phương, qua đó khẳng định: Công tác phòng, chống tham nhũng được toàn xã hội tham gia đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả của các cơ quan Nhà nước, trong đó cơ quan Thanh tra là nồng cốt tham mưu, kiểm tra, gám sát việc thực hiện, báo cáo thường xuyên với cấp ủy, chính quyền cùng cấp và cơ quan Thanh tra Chính phủ Việt Nam.
Đối với Thanh tra tỉnh Ninh Bình, với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở địa phương, Thanh tra tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng, trong đó giải pháp chính là các biện pháp phòng ngừa: từ việc cải cách hành chính, thủ tục hành chính, các dịch vụ công được công khai minh bạch giúp người dân thực hiện và giám sát công chức, cơ quan Nhà nước.
Ngoài ra, hàng năm, chính quyền địa phương, các cơ quan hành chính Nhà nước đều lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan công chức. Thông qua sự góp ý của người dân, chính quyền sẽ tiếp thu, điều chỉnh các chính sách cho phù hợp. Để kiểm soát chặt chẽ sự phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Ninh Bình thực hiện chuyển đổi vị trí việc làm đối với những vị trí nhạy cảm, dễ nảy sinh tham nhũng.
Đối với cán bộ công chức, đặc biệt là công chức đứng đầu thì phải thực hiện kê khai tài sản. Công chức lãnh đạo, trước, trong quá trình bổ nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ kê khai tài sản. Trong quá trình công tác, nếu có tài sản phát sinh bất thường phải giải trình. Cùng với đó, tỉnh quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức công vụ.
Chú trọng công tác tuyên truyền, công khai trên các phương tiện thông tin để mỗi người dân thấy được trách nhiệm trong xây dựng cơ quan nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Ngoài ra, Thanh tra tỉnh thường xuyên nghiên cứu để góp ý với các cơ quan hành pháp để đảm bảo các chính sách được ban hành sát với điều kiện thực tế.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm
Gắn với phòng, chống tham nhũng, Ninh Bình quan tâm phát triển kinh tế đồng đều ở các khu vực để rút ngắn khoảng cách giữa thành thị, nông thôn, miền núi... phấn đấu vùng nông thôn giàu có, vùng đô thị văn minh. Công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực và thực hiện ở tất cả trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, thu được kết quả. Xuất phát từ sự hài lòng, tin tưởng của người dân nên Ninh Bình đã tạo sự đồng thuận cao của người dân trong phát triển kinh tế- xã hội, nhất là công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Tại buổi tọa đàm, hai bên đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng như: Quy trình thực hiện kê khai tài sản của cán bộ, công chức; việc xử lý đối với những trường hợp kê khai không đúng; nhóm công chức phải kê khai tài sản; việc xử lý thông tin tố giác (chính danh, khuyết danh) về những hành vi, đối tượng tham nhũng; những lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng; công tác phòng, chống tham nhũng trong xây dựng cơ bản, xây dựng nông thôn mới; cơ cấu tổ chức bộ máy Thanh tra các cấp, cách thức xử lý công việc của cơ quan này; công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo...
Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Myanmar cảm ơn Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã bố trí chương trình làm việc bổ ích, trong đó có buổi làm việc với Thanh tra tỉnh Ninh Bình. Đồng thời cảm ơn sự đón tiếp thịnh tình của lãnh đạo UBND tỉnh, khẳng định những chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng, chống tham nhũng của Thanh tra tỉnh đã giúp Đoàn có thêm nhìn nhận toàn diện hơn về công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam nói chung, Ninh Bình nói riêng.
Mai Lan - Thế Minh