Theo nội dung cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Sau khi nhập khẩu đủ số lượng nhựa phế liệu để sản xuất theo quy mô, công suất, từ 20/5/2016 đến hết năm 2017, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Trường Thịnh không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho nhập khẩu nhưng vì muốn thu lời bất chính lớn nên Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc doanh nghiệp đã nhất trí đề xuất và cho Nguyễn Đức Trường cùng Dương Văn Phương sử dụng giấy tờ của DNTN Trường Thịnh do Sơn ký khống, chủ động liên hệ, tìm nguồn hàng, nhập khẩu trái phép hơn 25 triệu kg nhựa phế liệu và sử dụng 48.6 tỷ đồng đồng mua ngoại tệ của ngân hàng chuyển ra nước ngoài để thanh toán.
Để làm thủ tục thông quan các lô hàng nhựa phế liệu nhập về các cảng tại Việt Nam, Nguyễn Đức Trường và Dương Văn Phương đã chỉ đạo và trực tiếp làm giả "Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan" của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, "Xác nhận phong tỏa" của Ngân hàng Techcombank, Ngân hàng TMCP Đông Á để làm thủ tục thông quan.
Ngoài việc làm giả các tài liệu trên, Dương Văn Phương còn là người trực tiếp lập khống các bộ hồ sơ, hợp đồng mua bán cho DNTN Trường Thịnh với đối tác nước ngoài và cũng là người trực tiếp làm thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài. Số nhựa phế liệu nhập khẩu trái phép trên, DNTN Trường Thịnh đã bán cho 11 doanh nghiệp trong nước thu được số tiền 60.8 tỷ đồng, sau khi trừ thuế và các chi phí doanh nghiệp, doanh nghiệp thu lợi bất chính số tiền 638 triệu đồng.
Đối với Phạm Quốc Huy là người được Nguyễn Đức Trường thuê trực tiếp chỉ đạo và điều hành việc thông quan cho các lô hàng nhựa phế liệu của DNTN Trường Thịnh tại các cảng ở phía Nam, đồng thời, Huy còn lợi dụng giấy tờ khống của DNTN Trường Thịnh để làm giả và chỉ đạo nhân viên lập khống hợp đồng, hóa đơn và sử dụng các tài liệu giả gồm: "Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu", "Xác nhận phong tỏa của Ngân hàng"... để làm thủ tục nhập khẩu trái phép nhựa phế liệu cho một số tổ chức và cá nhân có tổng khối lượng 31.9 triệu kg, trị giá hơn 72 tỷ đồng.
Số lượng hàng buôn lậu được quy kết cho Nguyễn Đức Trường và Dương Văn Phương phải chịu trách nhiệm hình sự với số lượng hàng được xác định là tất cả những lô hàng có sử dụng tài liệu giả để thông quan tại các Cục hải quan, tổng số: 41.7 triệu kg nhựa phế liệu, trị giá: 85.2 tỷ đồng. Nguyễn Văn Sơn phải chịu trách nhiệm đối với những lô hàng do Sơn ký hợp đồng mua hàng, thanh toán cho các Công ty ở nước ngoài, sau đó ký bán cho các khách hàng trong nước, tổng số lượng là 25.1 triệu kg nhựa phế liệu, trị giá: 48.7 tỷ đồng.
Đối với hành vi chỉ đạo và làm giả Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, giấy Xác nhận phong tỏa tài khoản của một số Ngân hàng của Nguyễn Đức Trường, Dương Văn Phương và Phạm Quốc Huy, Cơ quan điều tra xác định: Đây là phương thức, thủ đoạn để thực hiện hành vi buôn lậu, do đó, không xem xét hành vi này như là một tội phạm độc lập.
Hành vi của các bị cáo đã bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội buôn lậu. Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ các hành vi của mình. Tòa án nhân dân tỉnh đã quyết định, tuyên bố các bị cáo trên phạm tội buôn lậu.
Căn cứ vào các quy định tại Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Đức Trường 8 năm tù, Dương Văn Phương 7 năm tù, tổng hợp hình phạt của bản án này với hình phạt về tội "vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" theo bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng ngày 10/1/2020, buộc bị cáo Trường và Phương phải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 bản án lần lượt là 14 năm tù và 12 năm tù; Phạm Quốc Huy 7 năm tù; Nguyễn Văn Sơn 7 năm tù.
Ngoài ra, các bị cáo còn phải chịu hình phạt bổ sung bằng hình phạt tiền và phải nộp lại toàn bộ số tiền đã thu lời bất chính. Đây là hình phạt đích đáng cho những kẻ vì hám lợi mà bất chấp, coi thường pháp luật.
Tin, ảnh: Kiều Ân