Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh để hiểu thêm về hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà ngành Y tế đã và đang triển khai.
P.V: Ninh Bình nhiều năm nay là địa bàn ít xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm, nhất là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Vậy công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có vai trò như thế nào đối với kết quả này?
Đ/c Nguyễn Thị Hường: Với mục tiêu đẩy mạnh việc triển khai đồng bộ các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng, củng cố và nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhằm phòng, chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm, mở các lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cho đội ngũ phục vụ tại các bếp ăn tập thể... Do đó đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở, doanh nghiệp trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra được duy trì thường xuyên ở các tuyến tỉnh, huyện, xã đã đưa hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chấp hành theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm, nhất là ở những nơi có bếp ăn tập thể như: Trường học, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp... Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có hàng trăm bếp ăn tập thể có quy mô phục vụ từ vài chục đến vài trăm người/bữa, tạo thuận lợi cho quá trình làm việc trong ngày, trong ca sản xuất của người lao động. Các bếp ăn tập thể được các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm xây dựng và bố trí khu bếp ăn rộng rãi, sạch sẽ, đội ngũ phục vụ nhà bếp được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm do ngành chức năng tổ chức, chú trọng việc cung ứng nguyên liệu, thực phẩm sạch đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Hàng năm, các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, cấp tỉnh đều quan tâm tổ chức đi kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể để kịp thời phát hiện vi phạm, chấn chỉnh, nhắc nhở các đơn vị chưa làm tốt... Điều đáng ghi nhận là qua công tác kiểm tra hàng năm, chưa phát hiện được đơn vị nào có vi phạm trong lĩnh vực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, việc chế biến thực phẩm được thực hiện đảm bảo hợp vệ sinh, tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm... Kết quả năm qua, số ca mắc ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ giảm so với năm trước, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm/100.000 dân là 1,95, thấp hơn so với chỉ tiêu…
P.V: Xin đồng chí cho biết công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được ngành triển khai thực hiện như thế nào?
Đ/c Nguyễn Thị Hường: Năm 2012 là năm có nhiều thay đổi trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực từ ngày 11-6-2012, Nghị định số 91/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và nhiều thông tư hướng dẫn hoạt động quản lý an toàn thực phẩm được ban hành đã tạo bước chuyển biến mới trong hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua và tiếp theo. Tại Ninh Bình, việc thành lập Phòng Thanh tra thuộc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã làm cho hoạt động thanh, kiểm tra được triển khai đồng bộ hơn, hoạt động kiểm tra, hậu kiểm theo chuyên đề đạt hiệu quả cao. Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản có liên quan đến lĩnh vực đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp cùng các ngành liên quan, các địa phương duy trì thường xuyên hoạt động thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, các khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… trong việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông qua công tác thanh, kiểm tra đã kịp thời phát hiện các cơ sở có vi phạm, có biện pháp xử phạt để răn đe, giáo dục, hướng dẫn chủ cơ sở chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra còn nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở về quy trình, thủ tục, giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tuyên tuyền các quy định của Luật An toàn thực phẩm đến người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng… Đặc biệt, vào các đợt cao điểm trong năm như: "Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm", Tết trung thu, Tết Nguyên đán, hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, của huyện đã góp phần quan trọng chấn chỉnh và đưa các hoạt động liên quan đến sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm chấp hành đúng các quy định của Luật An toàn thực phẩm, không để hàng hóa, thực phẩm quá hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng… trà trộn vào thị trường, đến tay người tiêu dùng. Qua công tác thanh, kiểm tra, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm được duy trì tại các tuyến, hàng năm có khoảng trên 6.000 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được thanh, kiểm tra, số cơ sở có vi phạm và bị xử phạt giảm mạnh: năm 2012 số lượt cơ sở vi phạm là 759 cơ sở (năm 2011 là 1.354 cơ sở); số lượt cơ sở có vi phạm bị xử lý là 29 cơ sở (năm 2011 là 137 cơ sở)… Hoạt động thanh, kiểm tra đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
P.V: Thưa đồng chí, thực hiện chủ đề của "Tháng cao điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm Tết" năm nay với nội dung "Bữa ăn an toàn", Ninh Bình sẽ tập trung vào những hoạt động gì?
Đ/c Nguyễn Thị Hường: Tết Nguyên đán và các lễ hội mùa xuân và thời điểm sau Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Do đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm gia tăng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các dịch vụ ăn uống phục vụ nhu cầu của khách du lịch tại các lễ hội thường là hoạt động kinh doanh thời vụ, khó tránh khỏi các vấn đề không đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhằm nâng cao vai trò của UBND các cấp, vai trò quản lý của các cơ quan chức năng, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phổ biến, tuyên truyền các kiến thức, quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phát động "Tháng cao điểm về an toàn thực phẩm Tết năm 2013" với chủ đề "Bữa ăn an toàn" trong thời gian từ ngày 8-1-2013 đến ngày 25-2-2013. Hưởng ứng "Tháng cao điểm về an toàn thực phẩm", Ninh Bình đã và đang tập trung vào việc làm tốt các hoạt động: Tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; tập trung phổ biến, tuyên truyền trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, trong đó tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu thụ lớn trong dịp Tết như: Rượu, bia, bánh kẹo, thịt gia súc, gia cầm… tuân theo các quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm không chỉ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mà cả việc nhập lậu thực phẩm, ngăn chặn xử lý việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm với yêu cầu tết Quý Tỵ năm 2013 cơ bản không có gà nhập lậu ở các chợ thực phẩm trong tỉnh; tiến hành thanh tra có trọng điểm, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu thụ lớn trong dịp Tết như: rượu, bia, bánh kẹo, thịt gia súc, gia cầm, các sản phẩm thịt, các loại mứt…
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (Thực hiện)