Từ một tỉnh nghèo với nền nông nghiệp lạc hậu, đến nay Ninh Bình đã trở thành một tỉnh có bước phát triển khá về sản xuất nông nghiệp, đã đủ ăn và đóng góp một phần cho xuất khẩu.Trong đó, sản xuất rau xanh cũng từng bước khẳng định vị trí quan trọng trong ngành, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, một phần cung cấp cho các tỉnh lân cận và Hà Nội.
Được sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Ninh Bình đã tổ chức triển khai sản xuất rau an toàn theo quy trình sản xuất rau an toàn trên địa bàn 2 HTX Hương Đào, phường Ninh Sơn; HTX Yên Phúc, xã Ninh Phúc. Đến nay, mô hình sản xuất rau an toàn đã đi vào thực hiện và bước đầu đem lại những kết quả khả quan. Song thực tế vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, đó là sản phẩm sản xuất ra chưa có thương hiệu và chưa thuyết phục được người tiêu dùng, giá cả không cao hơn so với rau sản xuất thường. Đây chính là câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý, nhà khoa học. Liệu có phải sản xuất rau an toàn chỉ có một số điểm về kỹ thuật, về trồng trọt, về bảo vệ thực vật không? Vấn đề truy nguyên nguồn gốc giống rau, đất trồng và kiểm soát đầu vào các loại vật tư nông nghiệp... hoặc giám sát việc thực hiện cũng như liên doanh, liên kết giữa các tổ, đội, các nhóm sản xuất rau, giữa người sản xuất và người tiêu dùng vẫn chưa được tiến hành. Phải chăng đây là bất cập rất lớn trong sản xuất rau an toàn trong thời gian qua?
Để sản xuất rau thực sự an toàn, thì trong sản xuất phải đáp ứng được lợi ích cho cả người sản xuất, người tiêu thụ và người tiêu dùng và cũng đáp ứng được quy trình, quy phạm của nhà quản lý. Quy trình sản xuất rau an toàn đòi hỏi đầu tư lớn về nguồn lao động, vật tư, tiền vốn. Như vậy, năng suất thu được sẽ cao hơn. Nhưng trong một số trường hợp năng suất rau lại thấp hơn, mặc dù chi phí để sản xuất rau an toàn lại cao hơn rau nông dân tự trồng 1-2 lần, vì vậy giá bán rau an toàn luôn phải cao hơn thì người sản xuất mới có lãi.
Hiện nay, chi phí trong bữa ăn hàng ngày về rau xanh của các hộ gia đình là rất thấp (khoảng 10-15%), vì thế việc mua rau an toàn với giá cao hơn thì người tiêu dùng cũng dễ chấp nhận, nếu đó là rau được sản xuất theo quy trình an toàn. Nhưng ngoài đồng ruộng, rau của nông dân tự trồng rất nhiều, có khi trông lại hấp dẫn hơn rau an toàn. Như vậy có thể bị nhầm lẫn, nếu như bảo đảm có thương hiệu, khâu dịch vụ bán hàng có lợi nhuận thì người sản xuất rau an toàn cũng sẽ được kích thích bởi động lực phát triển kinh tế và thu nhập.
Hơn nữa, vấn đề cốt lõi trong sản xuất rau an toàn là nhanh chóng thay đổi tập quán trồng rau của người nông dân từ nhiều đời nay, như vẫn còn một số hộ sử dụng phân chuồng tươi, nước giải tươi và phun thuốc bảo vệ thực vật định kỳ... Mặc dù, người sản xuất biết rất rõ tác hại của những việc làm này. Song một phần do lợi ích trước mắt, một phần chưa được giám sát việc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Vì vậy, các cán bộ kỹ thuật, cán bộ chỉ đạo cần tuyển chọn những hộ nông dân trồng rau có ý thức, trách nhiệm cao và hiểu biết kỹ thuật để hướng dẫn quy trình cho họ thực hiện, sau đó nhân rộng, dần dần sẽ hình thành một tập quán sản xuất rau an toàn trong toàn HTX, trong toàn vùng quy hoạch của thành phố.
KS. Vũ Duy Thanh (Trạm BVTV Tp Ninh Bình)