Thực trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở lứa tuổi thanh, thiếu niên
Là người tham gia giao thông thường xuyên trên quãng đường từ nhà đến cơ quan, ông Nguyễn Văn Linh (phố Ngọc Xuân, phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) cho biết: Những người "có tuổi" khi tham gia giao thông thấy khác hẳn, họ đi lại điềm đạm, từ tốn, chấp hành tốt các quy định, nhất là khi gặp tín hiệu đèn giao thông ở các ngã tư.
Thế nhưng, thỉnh thoảng vẫn có mấy cậu "choai choai" phóng xe máy bạt mạng, vụt qua cả đèn đỏ hoặc dù phần đường của mình đã chuyển sang đèn đỏ nhưng vẫn cố vượt… Khi đó, tôi đều tự nhắc mình chậm lại tránh tai họa có thể xảy ra…
Nỗi lo của ông Linh cũng là nỗi lo lắng của nhiều người tham gia giao thông khi trên đường đi làm, đến công sở, khi đi chơi, về quê… gặp phải những trường hợp thiếu ý thức của người điều khiển phương tiện. Ngay tại địa bàn thành phố Ninh Bình, tại các ngã tư có tín hiệu đèn đỏ, có cả cảnh sát giao thông tham gia điều khiển nhưng thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những trường hợp vi phạm. Có những lỗi rất đơn giản như: không xi nhan khi rẽ phải, rẽ trái… Có những lỗi nghiêm trọng như: vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn đường, điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe…
Điển hình nhất của tình trạng vi phạm Luật Giao thông của học sinh THPT, THCS. Rất dễ để chứng kiến tình trạng các em đi xe đạp điện dàn hàng ba, hàng bốn, không đội mũ bảo hiểm. Thậm chí, có một số học sinh phổ thông còn đi xe máy đi học. Đây là những đối tượng hầu như không có giấy phép lái xe vì chưa đủ tuổi.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông còn xuất phát từ… việc sử dụng bia rượu của người điều khiển giao thông. Chẳng khó để bắt gặp bước ra từ các quán ăn, nhà hàng là những gương mặt trẻ với lượng bia rượu được tiêu thụ kha khá. Thế nhưng, bước ra đường, tham gia giao thông, họ vẫn hết sức tự tin điều khiển phương tiện.
Đã có nhiều trường hợp tự gây tai nạn giao thông cho chính bản thân mình khi bị ngã, hoặc gây tai nạn cho người tham gia giao thông khi không thể điều khiển được hành vi của mình khi đang lưu hành trên đường. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, thậm chí dẫn đến mất tính mạng vì tai nạn giao thông.
Một lần vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh tác nghiệp, chúng tôi đã phải giật mình trước những con số mà đơn vị y tế tuyến đầu của tỉnh đưa ra: Chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán của một năm, có gần 1.000 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, trong đó có gần 300 trường hợp do tai nạn giao thông. Tại Khoa cấp cứu, trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm đó, Khoa tiếp nhận gần 300 bệnh nhân vào cấp cứu, trung bình mỗi ngày có 75 bệnh nhân vào cấp cứu, trong đó 2/3 bệnh nhân vào cấp cứu là do tai nạn giao thông…
Tổ chức Đoàn thanh niên vào cuộc
Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Tỉnh đoàn được biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), thời gian qua, các cấp bộ Đoàn luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho cán bộ, đoàn viên, thanh, thiếu niên và tổ chức các hoạt động tham gia đảm bảo TTATGT, cấp phát tài liệu, tổ chức các cụm pa nô tuyên truyền, tổ chức đội hình thanh niên tuyên truyền về ATGT, tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ngày hội "Thanh niên với văn hóa giao thông".
Từ năm 2008, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn đã phát động và triển khai tới đoàn viên và thanh, thiếu nhi toàn tỉnh cuộc vận động "Thanh niên với văn hóa giao thông" nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thái độ và hành vi tham gia giao thông của thanh, thiếu niên. Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thi tuyên truyền, các mô hình, các hoạt động của tuổi trẻ tham gia giữ gìn TTATGT…
Qua đó đã thu hút đông đảo sự tham gia của thanh thiếu niên, tạo ra nội dung, hình thức hoạt động mới của các cấp bộ Đoàn, thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trước vấn đề bức xúc của cộng đồng, tạo được dấu ấn xã hội tích cực được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Các đội hình thanh niên tình nguyện giữ gìn TTATGT được xây dựng và ngày càng đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả. Các đội hình thanh niên tình nguyện gắn với các mô hình như: "Cổng trường an toàn giao thông", "Em yêu đường sắt quê em", "Điểm giao cắt đường bộ, đường sắt an toàn", "Bến đò ngang an toàn"... đã phát huy hiệu quả trong tham gia phân luồng giao thông, hướng dẫn giao thông, tham gia giải tỏa các điểm ùn tắc giao thông.
Đặc biệt, từ năm 2013 Tỉnh đoàn đã xây dựng Đề án "Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Bình tham gia giữ gìn TTATGT" giai đoạn 2013 - 2017 với các giải pháp mang tính đột phá, phù hợp với thế mạnh của Đoàn nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), giảm thiểu thiệt hại về kinh tế - xã hội do TNGT gây ra.
Đồng thời, góp phần thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ Đoàn - Hội, đoàn viên, thanh, thiếu niên đối với công tác bảo đảm TTATGT, nâng cao hiệu quả của đoàn viên, thanh niên tham gia công tác bảo đảm TTATGT. Thực hiện Đề án, 100% cơ sở Đoàn đã đưa nội dung phổ biến pháp luật về giao thông vào chương trình công tác năm, các kỳ sinh hoạt định kỳ hàng tháng, quý và năm, là tiêu chí thi đua hàng năm của các cấp bộ Đoàn, đánh giá phân loại đoàn viên hàng năm.
Đoàn xã, phường, thị trấn đã thực hiện việc quản lý, giáo dục đối với thanh, thiếu niên vi phạm TTATGT khi nhận được thông báo vi phạm của cơ quan công an. Đồng thời, các cơ sở Đoàn đã tổ chức ký cam kết 100% đơn vị không có đoàn viên, thanh niên chưa đủ tuổi không có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn chất lượng khi đi mô tô, xe gắn máy hoặc ngồi sau mô tô, xe gắn máy; cam kết không có đoàn viên tham gia cổ vũ đua xe, đua xe trái phép gây mất trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông; không sử dụng rượu, bia, ma túy và những chất kích thích khác mà pháp luật cấm trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông...
Đặc biệt, tại địa bàn 2 thành phố của tỉnh là thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp, Thành đoàn Ninh Bình và Thành đoàn Tam Điệp đã thành lập được các đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tham gia đảm bảo TTATGT tại các chốt đèn đỏ nhân các đợt cao điểm, ra quân nhân Tháng hành động vì ATGT...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang duy trì có hiệu quả 58 mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" tại các trường học, vận động học sinh không điều khiển xe mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi theo quy định; 2 mô hình "Bến đò ngang an toàn", 2 "Đoạn giao cắt đường bộ - đường sắt an toàn", tại các bến đò ngang, bến khách ngang sông, điểm giao cắt đường sắt, đường bộ.
Tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho người dân khu vực bến đò, nhất là các em thiếu nhi; tổ chức 26 khóa học bơi, tập huấn phòng chống đuối nước cho thanh thiếu nhi. Tham gia tu sửa, bảo dưỡng, bảo quản phương tiện, thiết bị và xây dựng hạ tầng khu vực bến đò.
Triển khai các hoạt động của thanh niên tham gia cảnh báo giao thông, tuyên truyền không vi phạm hành lang an toàn đường sắt... Theo đánh giá của ngành chức năng, những hoạt động mà Đoàn thanh niên trong tỉnh đã và đang triển khai thực hiện trong việc đảm bảo TT ATGT đã góp phần quan trọng nâng cao hiểu biết, tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng nét văn hóa trong thanh, thiếu niên khi tham gia giao thông.
Đồng thời, phát huy được vai trò xung kích của tổ chức Đoàn và thanh niên trong công tác bảo đảm TTATGT nhằm góp phần giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT, nhất là đối với đoàn viên, thanh, thiếu nhi.
Phan Hiếu