Để chuẩn bị cho việc thành lập các lâm trường, gần 5.000 người đã được đưa về đây trong đó có hơn 300 người con của quê hương Ninh Bình. Tất cả đều là bộ đội vừa mới rời tay súng và còn ở độ tuổi ngoài đôi mươi.
Đại tá Đỗ Xuân Núi quê ở huyện Yên Khánh, hiện làm Trưởng Ban liên lạc Đoàn 332 khu vực Ninh Bình-Nam Định nhớ như in khí thế của những ngày vừa toàn thắng vẫn rừng rực trong mỗi người dù rằng sau thời điểm 30-4, tại Kon Hà Nừng khó khăn thiếu thốn trăm bề.
Nhất là lúc ấy, vừa kết thúc chiến tranh nhưng anh chị em bộ đội chỉ được về thăm nhà vỏn vẹn có 1 tháng rồi ngay lập tức phải bắt tay vào công việc mới ở vùng rừng núi vừa lạ vừa quen này. Quen bởi trong những ngày tháng chiến đấu "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" nhưng trong thời bình để rừng mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thì ai cũng thấy bỡ ngỡ.
Tuy nhiên mỗi người đều hiểu rằng đây là vùng quan trọng cả 2 mặt kinh tế và quốc phòng của đất nước. Không những tại chỗ mà còn liên quan đến chiến lược chung, liên quan đến sinh thái, môi trường sống của các tỉnh đồng bằng.
Ngày ấy Đoàn 332 vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm và căn dặn: Bộ đội mới rời tay súng phải phát huy sáng tạo, tích cực học tập để tổ chức quản lý làm lâm nghiệp, làm tốt nghề rừng.
Đi đôi với sản xuất lâm nghiệp phải chăn nuôi, trồng trọt nâng cao chất lượng bữa ăn. Đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, tích cực làm công tác vận động đồng bào định canh, định cư góp phần nâng cao cuộc sống của đồng bào dân tộc ở đây, thực hiện chủ trương điều hòa dân số và lao động từ miền xuôi lên miền núi. Đảng và Nhà nước yêu cầu các đồng chí đưa gia đình đến đây xây dựng quê hương mới…
Lời căn dặn ấy cùng với những chính sách hỗ trợ thiết thực từ Bộ Quốc phòng, Bộ Lâm nghiệp đã từng bước giúp trả lời câu hỏi: làm thế nào để xây dựng Kon Hà Nừng thành khu kinh tế mạnh toàn diện.
Đầu tiên là việc đưa lực lượng lớn lao động có kỷ luật, có kỹ thuật trải qua rèn luyện và thử thách trong chiến đấu hoặc dưới mái trường của chủ nghĩa xã hội về làm nòng cốt. Đồng thời đưa hơn 50% tổng số xe của Quân khu phục vụ trong chiến tranh về làm nhiệm vụ phát triển kinh tế cùng nhiều loại máy móc cần thiết khác.
Ông Núi kể tiếp: Quân số có lúc lên đến 1 vạn người, không khí nhộn nhịp như một công trường lớn. Có nhiều đơn vị ươm cây, trồng rừng, khai thác, chế biến, đốt gạch, nung vôi xây dựng nhà cửa… Hà Nừng từ một vùng rừng núi xa xôi ít người biết tới rồi trở nên nổi tiếng với những đoàn xe kéo gỗ về xuôi.
Do có thời gian dài gắn bó với rừng nên ông Núi được tham gia khảo sát, quy hoạch, phân chia đất rừng thành từng lâm trường phù hợp cho cả trước mắt và lâu dài đảm bảo kết hợp kinh tế với quốc phòng, an sinh xã hội. Cùng với đó trong lãnh đạo còn chú ý ngay đến việc quy hoạch đô thị (dành đất cho các công trình phúc lợi) khi có điều kiện phát triển.
Ngày ấy nhiều anh chị em muốn xin đất làm nhà ở trung tâm nhưng lãnh đạo đơn vị đã nhất quán động viên mọi người nên tìm chỗ đất khác để dành đất cho xây dựng sau này.
Trong sản xuất nông nghiệp, rất nhiều anh chị em người Ninh Bình và một số tỉnh đồng bằng khác đã mang theo kinh nghiệm trồng lúa nước ở quê nhà đến Kon Hà Nừng để hướng dẫn đồng bào dân tộc làm nên cánh đồng lúa nước nổi tiếng ở Sơpai, rồi ở xã Kroong rộng tới hơn chục ha.
Trước đó, đội ngũ cán bộ này cũng tham gia nghiên cứu và trực tiếp xây dựng công trình dẫn nước, đắp đập, xây hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhưng để lại dấu ấn sâu đậm nhất phải kể đến Chiến dịch 30-4 (lấy theo dốc mốc ngày thống nhất đất nước) ở thời điểm năm 1977 với việc khai hoang cánh đồng lúa nước Đăk uy-Kon Tum.
Trong vòng 6 tháng toàn Đoàn đã đào đắp được 690.000 m3 đất đá, vượt 90% năng suất, khai hoang 90 ha làm lúa nước… Anh chị em đã phải nghỉ ăn Tết ngay tại công trường. Kết thúc chiến dịch, Đoàn được Quân khu khen thưởng và quan trọng hơn cả là qua chiến dịch này Đoàn đã góp phần làm nên những thay đổi tích cực trong tập quán canh tác của nhân dân địa phương.
Công tác định canh định cư nhằm ổn định đời sống sản xuất cho nhân dân địa phương cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đoàn 332. Ông Lê Văn Ân, quê ở thị xã Tam Điệp, có hơn 20 năm gắn bó với vùng đất Kon Hà Nừng kể lại: ở các xã có lâm trường đứng chân, lãnh đạo đơn vị đã mời đồng chí chủ tịch hoặc bí thư đảng ủy xã vào làm phó giám đốc lâm trường phụ trách công tác định canh định cư, vận động bà con cho con em vào làm công nhân lâm nghiệp.
Vì tham gia công tác vận tải ở lâm trường nên ông Ân nhớ nhất những lần phối hợp với địa phương đi mở hội già làng trưởng bản, rồi mời cán bộ địa phương đi tham quan các mô hình ở những nơi làm tốt, mua cây giống cho dân trồng, tổ chức kết nghĩa giữa xã với lâm trường xí nghiệp, bản làng với đội sản xuất… Bản thân ông coi đây như quê hương thứ 2 của mình.
Tạo nên một diện mạo mới cho vùng đất Kon Hà Nừng, những cán bộ, công nhân của Đoàn 332 không chỉ phải chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn trong lao động và trong cuộc sống hàng ngày mà còn phải chấp nhận sự hy sinh cả tính mạng của mình và người thân. Trong những năm đầu thành lập đơn vị đã có hàng chục người thiệt mạng ở những trường hợp khác nhau.
Ông Lê Văn Ân bùi ngùi nhớ lại: đồng chí Đinh Hồng Binh, kỹ sư lâm nghiệp quê ở Ninh Bình, được bổ nhiệm làm giám đốc lâm trường Lơ Ku, khi về đơn vị anh nuôi hy vọng đưa cây Lát Hoa từ miền Bắc vào trồng ở đây. Anh đã lấy được một số cây về trồng thử ở lâm trường nhưng rồi ý định, ước mơ ấy phải bỏ dở vì anh đã không qua khỏi cơn sốt rét rừng ác tính vào năm 1989…
Mảnh đất Kon Hà Nừng hôm nay đã "thay da đổi thịt" và ở đó vẫn còn ghi dấu những cống hiến, hy sinh của những con người đã một thời vào sinh ra tử ở khắp các chiến trường, rồi lại dốc hết bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ để khai khẩn đất hoang, mở mang rừng già đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Đào Duy