Nín đi em bố mẹ bận ra tòa
Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi
Thằng bé khóc, bụng chưa quen chịu đói
Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm.
Bố mẹ đi từ sớm khác mọi hôm
Không nấu nướng và không hề trò chuyện
Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ hẻm
Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?
Biết lấy gì dỗ cho em nín đây
Ngoài hai tiếng ra tòa vừa nghe nói
Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi
Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về.
Mẹ bế em âu yếm vuốt ve
Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp
Nó sung sướng ra vào tíu tít
Rồi quây quần, nồi cơm mở vung ra.
Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa
Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lý
Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng ký
Chẳng phải lời dịu ngọt nắng ngày xa.
Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa
Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ
Đứa có mẹ thì thôi không có bố
Hai chị em rồi sẽ mất nhau...
Nín đi em!- Em khản giọng khóc gào
Chị mếu máo đầm đìa nước mắt
Những bố mẹ bên bờ chia cắt
Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình
(Rút trong tập "Tác phẩm và đời sống", Nhà xuất bản Hội Nhà văn - Quý IV - 2004)
Nội dung bài thơ đã kể lại một câu chuyện thơ ngây của con trẻ trước cảnh chia ly của bố mẹ: "Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa/ Là cầm cưa xẻ nganh tình đoàn tụ" mà chỉ khi nào "Đứa có mẹ thì thôi không có bố/ Hai chị em rồi sẽ mất nhau" thì bấy giờ có thể mới hiểu được việc bố mẹ ra tòa để làm gì...
Bởi vậy, xin không bình gì thêm mà chỉ kể lại những lời tâm sự của nhà thơ Vương Trọng: "Khi bài thơ "Hai chị em" được công bố trên báo chí, tác giả đã nhận được khá nhiều thư bạn đọc. Trong đó có một cặp vợ chồng trẻ dắt theo một cậu con trai vào gia đình nhà thơ ở Vân Hồ (Hà Nội). Vừa vào tới nơi, chị vợ nói: "Chúng em đến để cảm ơn anh. Vì nhờ bài thơ của anh mà vợ chồng em không ly tán, mới có được thằng cu này". Nhà thơ Vương Trọng kể tiếp: "Còn một điều khá thú vị là tại phòng hòa giải của một quận nọ, người ta đã cắt bài thơ dán lên tường, để những cặp vợ chồng đến nộp đơn ly hôn được đọc bài thơ trước khi nộp đơn... Có trường hợp đọc xong họ nhìn nhau rồi lẳng lặng quay ra không nộp đơn ly hôn nữa...".
Tôi cũng xin được minh họa thêm bằng một câu chuyện có thật. Vừa qua, chuẩn bị cho Đại hội gia đình hiếu học, dòng họ, thôn xóm, phố khuyến học tỉnh Ninh Bình lần thứ II tổ chức vào ngày 31/7/2007. Tác giả có cùng một số đồng nghiệp được Hội Khuyến học tỉnh giao nhiệm vụ biên tập cuốn Kỷ yếu gồm những gương gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học trong toàn tỉnh. Khi trực tiếp biên tập, có trường hợp một gia đình sau khi hoàn thành nhiệm vụ ngoài chiến trường, anh chồng về địa phương, được một thời gian do hoàn cảnh gia đình túng thiếu, gia đình có 6 nhân khẩu, hàng năm chỉ trông vào 8 sào ruộng khoán của hợp tác xã. Các con lại đang tuổi ăn, tuổi học, chán chường trước cảnh túng quẫn, anh chồng sinh ra nghiện rượu. Khi rượu vào thì lời ra, vợ chồng mâu thuẫn, đay nghiến nhau, thế là họ làm đơn đưa nhau ra tòa xin ly hôn. Đã nhiều người, nhiều tổ chức can ngăn, hòa giải nhưng không được. Hôm hai người ra tòa, cả ba đứa con theo họ ra tận tòa án, chúng kêu khóc rất thảm thiết lạy xin bố mẹ đừng ly hôn để chúng phải khổ. Nhìn ba đứa con, cảm động, hai vợ chồng anh chị đã cùng xin rút đơn ly hôn.
Từ đó anh chồng hứa với vợ con kiên quyết bỏ rượu, tu chí làm ăn, nuôi con ăn học. Lời hứa đó đã được thực hiện. Ba đứa con của anh chị trả ơn bố mẹ bằng những nỗ lực chăm ngoan, học giỏi. Đến nay cả ba đã thi đỗ vào học ở các trường đại học danh tiếng. Có người đã ra trường và có việc làm. Cái "anh nghiện rượu" một thời ấy vừa qua đã chững chạc lên báo cáo điển hình tại Đại hội gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học toàn tỉnh lần thứ II.
Tôi không chắc là trường hợp anh chị kể trên đã được đọc bài thơ "Hai chị em" của nhà thơ Vương Trọng chưa. Nhưng có một điều "những bố mẹ bên bờ chia cắt" trong đó có vợ chồng anh chị đã không quên cái cảnh mà gia đình hạnh phúc nào cũng có:
"Mẹ bế em âu yếm vuốt ve
Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp
Nó sung sướng ra vào tíu tít
Rồi quây quần, nồi cơm mở vung ra"...
Nguyễn Khắc Thiệu