Có thể thấy rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đã phát huy hiệu quả. Ý thức của đại đa số nhân dân được nâng lên thông qua sự đồng thuận và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với các giải pháp đảm bảo TTATGT của Chính phủ ngày càng cao như: việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, triển khai thực hiện Quyết định 1568/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. 95% số hộ sinh sống ven đường tự giác tháo dỡ lều quán vi phạm, trả lại phần vỉa hè. Hành lang đường bộ đoạn QL 1A chạy qua địa phận tỉnh dài 34,6 km đã được giải tỏa 5-7m trước ngày 30-6-2008.
Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về trật tự ATGT được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tình hình ATGT của tỉnh luôn được cập nhập và phản ánh kịp thời; những văn bản, pháp luật liên quan đến TTATGT được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân cư.
Công an tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan, đoàn thể: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân tổ chức tuyên truyền về ATGT thông qua các hình thức như: xây dựng phóng sự, tuyên truyền lưu động, chiếu phim, kẻ vẽ khẩu hiệu, áp phích, phát tờ rơi...
Tổ công tác Liên ngành ra quân giải tỏa hành lang
an toàn giao thông đường bộ (đoạn qua xã Gia Xuân-Gia Viễn).
Lực lượng CSGT trong tỉnh tập trung mở các đợt hoạt động mạnh đảm bảo trật tự ATGT, huy động tối đa lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm. Trong 6 tháng, lực lượng công an đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 27.224 trường hợp, phạt tiền hơn 5,3 tỷ đồng. Những lỗi vi phạm chủ yếu thuộc về ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông còn kém, trong đó không đội mũ bảo hiểm 8.990 trường hợp, chạy quá tốc độ chiếm 43%, đi sai phần đường, tránh vượt sai quy định, chở quá số người quy định…
Nhìn vào kết quả về số vụ TNGT toàn tỉnh trong nửa năm qua có thể nhận thấy, trật tự ATGT vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT và ùn tắc giao thông.
Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 52 vụ TNGT, làm chết 57 người và bị thương 22 người (so với cùng kỳ năm trước, số vụ, số người bị thương không tăng, không giảm, số người chết giảm 2 người). Trong đó, đường bộ xảy ra 46 vụ, đường sắt 6 vụ, đường thủy nội địa không xảy ra TNGT. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A (đoạn từ cầu Yên tới cầu Do), gây bức xúc cho nhân dân.
Nguyên nhân xuất phát từ sự mất cân đối giữa phát triển của các phương tiện và hạ tầng giao thông ngày càng thêm gay gắt, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công tác đảm bảo TTATGT do sự gia tăng nhanh của các phương tiện tham gia giao thông. Thêm vào đó, việc tổ chức giao thông ở một số nơi còn chưa hợp lý và chậm khắc phục trong khi ý thức chấp hành pháp luật kém khi tham gia giao thông của một bộ phận nhân dân nhưng lại là tác nhân lớn ảnh hưởng đến trật tự ATGT.
Người không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên có xu hướng gia tăng, người dân còn tùy tiện trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt gần đường sắt, đường bộ, chiếm dụng lòng, lề đường để buôn bán kinh doanh, làm sân phơi, họp chợ…
Các điểm đen đã được xác định vẫn chậm được khắc phục. Tình trạng xe quá tải trọng cầu đường vẫn tiếp diễn. Công tác quản lý nhà nước về TTATGT của các địa phương tuy đã được tăng cường nhưng còn thiếu đồng bộ.
Qua một năm thực hiện Nghị quyết 32 và các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, trật tự ATGT trong tỉnh bước đầu đã được kiềm chế, tuy nhiên vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra với các cấp, các ngành còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự đồng thuận cao của toàn bộ hệ thống chính trị, hơn hết vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông.
Phương Nguyên