CÓ NHU CẦU NHƯNG KHÓ TIẾP CẬN VỐN TÍN DỤNG
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, mô hình HTX có vai trò hết sức quan trọng. Bởi vì, thành phần kinh tế này không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, mà còn từng bước làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn trong thời kỳ hội nhập, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới mà toàn Đảng, toàn dân ta đang dồn sức thực hiện.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đề án đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, trong đó có nhiều chính sách về hỗ trợ vay vốn tín dụng đối với các loại hình kinh tế thuộc lĩnh vực nông nghiệp nói chung, HTX và tổ hợp tác nói riêng.
Trong đó Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ với nhiều điểm mới, phù hợp với xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo sự bứt phá kinh tế nông nghiệp, nông thôn.... Nghị định 55 của Chính phủ không chỉ khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà còn tạo điều kiện để các HTX nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Nghị định cũng quy định rõ và mở rộng hơn những lĩnh vực cho vay được hưởng chính sách ưu đãi này.
Trong đó, mức cho vay tối đa đối với HTX, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là 1 tỷ đồng; tối đa 2 tỷ đồng đối với HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản; liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 3 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Các khoản vay này được hưởng lãi suất ưu đãi đối với các khoản vay ngắn hạn hoạt động trên địa bàn nông thôn.
Ngoài ra, với sản xuất nông nghiệp, đồng vốn thường gặp những rủi ro khách quan, bất khả kháng, vì thế, Nghị định 55 cũng có những quy định khá cụ thể về trích lập dự phòng rủi ro và cơ chế xử lý khoanh nợ, xóa nợ... khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.
Với nhiều điểm mới này, Nghị định 55 tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của xã viên. Tuy nhiên, thực tế việc tổ chức triển khai và tiếp cận nguồn vốn trên còn nhiều bất cập.
Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 320 HTX, trong đó có 230 HTX nông nghiệp. Tổng dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/NĐ-CP đạt 10.333 tỷ đồng, trong đó chỉ có 33 HTX/320 HTX được vay với dư nợ gần 318 tỷ đồng.
Theo khảo sát của Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT vào cuối năm 2015 về nhu cầu vốn đối với các HTX trên địa bàn tỉnh thì hầu hết các HTX đều có nhu cầu, có HTX đang thiếu vốn tới 1 tỷ đồng. Như vậy nhu cầu của các HTX rất lớn, nhất là sau khi chuyển đổi, sáp nhập và hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Đặc biệt là mô hình HTX kiểu mới đang được khuyến khích nhân rộng, không chỉ đơn thuần làm các dịch vụ bảo vệ đồng điền, bảo vệ thực vật như trước đây, mà HTX phải tìm ra hướng đi mới, làm ăn lớn hơn với các dự án sản xuất, kinh doanh có khả thi, hiệu quả cao hơn. Muốn thế các HTX phải có nguồn lực cả về con người và tài chính, nói cách khác là phải có vốn để hoạt động.
Nhưng với dư nợ gần 318 tỷ đồng như trên được xem là quá ít và thấp đối với nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư máy móc nông nghiệp của các HTX hiện nay trên địa bàn. Thiếu vốn, không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là thực trạng chung của nhiều HTX hiện nay.
Điển hình như HTX Vân Trà, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô đang hoạt động tích cực, hiệu quả với các loại hình dịch vụ như cung ứng vật tư, khoa học kỹ thuật, bảo vệ đồng điền, làm đất, dẫn nước... phục vụ các thành viên. Ông Đinh Xuân Nam, Giám đốc HTX Vân Trà cho biết: Hiện nay, vốn kinh doanh của HTX rất hạn hẹp, chỉ có 75 triệu đồng từ nguồn đóng góp của các thành viên.
Dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX rất khó khăn, không chủ động được nguồn hàng cung ứng cho nông dân và thiếu máy móc sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, HTX có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, các loại hình dịch vụ khác và đầu tư các loại máy móc, nông cụ với tổng nguồn vốn gần 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do không tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng nên HTX vẫn hoạt động cầm chừng bằng cách lấy hàng bán trả chậm bán cho bà con, sau khi thu hoạch sẽ thanh toán tiền cho các đại lý với mức lãi suất bằng hoặc cao hơn lãi suất ngân hàng.
Đối với HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, một trong những HTX ăn nên làm ra nhờ các loại hình dịch vụ phục vụ xã viên. Riêng năm 2015, tổng doanh thu của HTX đạt trên 5 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi trên 200 triệu đồng.
Ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Hợp Tiến cho biết: Hiện nay, HTX hoạt động chỉ với 150 triệu đồng vốn điều lệ. Để đầu tư vào các dịch vụ cung ứng vật tư cho xã viên, HTX cần nguồn vốn trên 500 triệu đồng. Không tiếp cận được nguồn tín dụng từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, HTX phải huy động vốn từ các thành viên với lãi suất cao hơn lãi suất huy động của ngân hàng.
Tuy nhiên, nguồn vốn này không ổn định vì cứ có nhu cầu là các thành viên rút vốn ngay, nhiều khi đã đầu tư rồi nhưng chưa đến kỳ thu hồi vốn, HTX không biết lấy tiền đâu để trả cho bà con. Thiếu vốn, không tiếp cận được nguồn tín dụng đã gây cho HTX nhiều khó khăn, bất cập trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, mặc dù nhu cầu về nguồn vốn của các HTX trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Cơ chế, chính sách đã có, ngân hàng có vốn, nhưng thực tế vẫn chưa cho vay được nhiều. Thiếu vốn, nhưng không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là thực trạng chung của nhiều HTX hiện nay, đòi hỏi sự quan tâm, tháo gỡ của các cấp, các ngành, các địa phương và bản thân mỗi HTX.
CẦN GIẢI PHÁP TÍCH CỰC TỪ CÁC BÊN LIÊN QUAN
Nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các HTX là rất lớn, chính sách tín dụng cũng quy định cụ thể, rõ ràng và có nhiều điểm mới, nhưng đến nay các HTX rất khó tiếp cận được vốn. Vậy đâu là "rào cản" trong vấn đề tiếp cận vốn của các HTX?
Chăm sóc rau vụ đông ở HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh). Ảnh: Trần Đức
Tại địa bàn huyện Yên Khánh, đơn vị triển khai khá tốt các chương trình, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua đã triển khai bài bản quy trình cho vay vốn HTX. Ông Nguyễn Đức Chiêu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Yên Khánh cho biết: Sau khi có văn bản 2210 của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam về hướng dẫn cho vay đối với HTX, Liên minh HTX theo Nghị định 55 của Thủ tướng Chính phủ, Chi nhánh huyện Yên Khánh đã kết hợp với Phòng Nông nghiệp huyện rà soát lại tất cả các HTX đã thành lập và hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Kết quả rà soát, hiện huyện Yên Khánh có 36 HTX. Chi nhánh đã có văn bản thông báo cụ thể về nội dung, đối tượng, quy trình thủ tục, các yêu cầu khi đến vay vốn... gửi tới tất cả các HTX trên địa bàn. Tuy nhiên từ đầu năm 2016 đến nay, Chi nhánh chưa nhận được bất cứ đề nghị được vay vốn nào của các HTX.
Hiện nay, Chi nhánh luôn đảm bảo đầy đủ vốn và còn thừa vốn chuyển lên ngân hàng cấp trên. Cũng qua nắm bắt tình hình cơ sở cho thấy hầu hết các HTX nông nghiệp hiện nay có nhu cầu vay vốn nhưng đều thiếu hồ sơ pháp lý, hồ sơ kinh tế, báo cáo tài chính 2 năm liền kề, tài sản thế chấp và các dự án sản xuất, kinh doanh có khả thi theo đúng quy định.
Để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, bản thân các HTX phải nỗ lực vươn lên, củng cố bộ máy điều hành, chuẩn bị tốt nhân sự, đảm bảo quản lý điều hành các hoạt động của đơn vị đúng quy định, nhất là công tác tài chính kế toán. Xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, có tính khả thi cao, bảo đảm giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm.
Cùng với đó, các HTX cũng phải có tài sản thế chấp như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản khác, đảm bảo niềm tin cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Tìm hiểu tại HTX Đồng Xuân Tiến, xã Khánh Thành (Yên Khánh), là một trong những HTX đi đầu của tỉnh trong việc tái cơ cấu nền nông nghiệp, chuyển đổi sang những cây trồng, con nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Nguyễn Hoàng Kim, Chủ tịch HĐQT HTX Đồng Xuân Tiến cho biết: Năm 2014 và 2015, HTX thu lãi bình quân 800 triệu đồng/năm từ 9 khâu dịch vụ phục vụ xã viên như làm đất, nước, bảo vệ thực vật, phân bón, ứng dụng tiến bộ KHKT, bao tiêu sản phẩm, kiến thiết đồng ruộng...
Tuy nhiên, do không có tài sản thế chấp, nên để có được nguồn vốn 1,5 tỷ đồng vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Khánh, các thành viên HTX đã phải đem sổ đỏ của gia đình thế chấp vay vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, vốn vay của HTX đều dưới tư cách là cá nhân hoặc hộ gia đình. HTX làm ăn có lãi và hiện nay chỉ còn dư nợ 200 triệu đồng. Ông Chủ tịch HĐQT HTX Đồng Xuân Tiến cũng mong muốn Nhà nước nghiên cứu nới rộng điều kiện vay vốn để HTX có thể vay vốn đúng tư cách tập thể chứ không phải là từng cá nhân.
Đồng thời nâng mức vay lên vài ba tỷ đồng để đáp ứng đủ nguồn vốn, đảm bảo hoạt động sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. HTX nông nghiệp Nam Lộc, xã Yên Lộc (huyện Kim Sơn) có 1.000 thành viên và đang hoạt động với vốn điều lệ 400 triệu đồng.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nam Lộc cho biết: Hiện nay, HTX đang làm các dịch vụ: Cung ứng vật tư nông nghiệp, bảo vệ thực vật, tưới tiêu, thủy lợi nội đồng, làm đất. Mỗi một vụ sản xuất, HTX có nhu cầu vốn từ 400-500 triệu đồng để kinh doanh vật tư nông nghiệp cung ứng cho các thành viên.
Tuy nhiên, nếu vay ngân hàng thì HTX không có tài sản gì để thế chấp. Ngay cả trụ sở làm việc của Ban quản trị HTX có bìa đỏ nhưng ở dạng Nhà nước giao đất không thu tiền nên cũng không được tính là tài sản thế chấp.
Như vậy, về phía các HTX, nguyên nhân chính chưa tiếp cận được nguồn vốn vay theo Nghị định 55 vì không có tài sản thế chấp. Giá trị tài sản cố định của HTX nông nghiệp thấp, chủ yếu ở dạng trụ sở làm việc, công trình được giao quản lý nên không thể thế chấp vay vốn ngân hàng. Vốn lưu động của nhiều HTX nông nghiệp ít, nhỏ, ảnh hưởng đến phương án sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, mặc dù đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 nhưng một số HTX vẫn ở tình trạng "bình mới rượu cũ", chưa có nhiều thay đổi so với trước đây. Năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành của người đứng đầu và điều hành HTX chưa đáp ứng được yêu cầu.
Năng lực hoạt động của các HTX không đồng đều, trình độ lao động còn thấp, một số nơi xã viên tham gia mang tính hình thức, chưa thu hút được sự tham gia đầy đủ và phát huy tinh thần trách nhiệm của xã viên vào hoạt động cũng như công tác kiểm tra, giám sát HTX.
Trình độ cán bộ của HTX còn hạn chế, không có năng lực thực hiện xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường. Việc thiếu minh bạch trong quản lý tài chính cũng hạn chế HTX tiếp cận tín dụng tín chấp. Các phương án, dự án do HTX lập để vay vốn thiếu tính khả thi, hiệu quả thấp. Khả năng tài chính của HTX cũng như phần vốn góp của thành viên HTX chưa đủ theo quy định hiện hành.
Do đó, phần lớn các HTX hiện nay có nhu cầu vay vốn, nhưng không đáp ứng đủ điều kiện cho vay theo quy định. Nghị định 55 đã và đang được coi là chiếc "phao cứu sinh" không chỉ cho nền nông nghiệp mà cho cả các tổ chức, cá nhân, nhất là các HTX thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại...
Tuy nhiên, do rào cản về tài sản thế chấp, báo cáo tài chính kinh doanh, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và niềm tin tín dụng từ phía các ngân hàng nên việc các HTX nông nghiệp vẫn chưa thể vươn tới nguồn vốn này.
Trước thực trạng trên, các cấp, ngành, các địa phương và nhất là các HTX cần nhận thức rõ phát triển kinh tế HTX là một trong những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho các HTX không chỉ là trách nhiệm của ngành ngân hàng mà cần chung tay vào cuộc một cách tích cực, chủ động và có trách nhiệm của các bên liên quan.
Theo đại diện Liên minh HTX tỉnh, các cấp, các ngành, trong đó có Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các chủ trương về tín dụng, vay vốn đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, kinh tế HTX, để các HTX biết và có cơ hội tiếp cận với nguồn tín dụng này.
Cùng với đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần quan tâm hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay theo chủ trương của Nhà nước. Đồng thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung đối với các chính sách tín dụng cho HTX phù hợp với đối tượng đặc thù cần được quan tâm.
Với nhiều giải pháp tích cực từ các cấp, các ngành và sự bứt phá đi lên của các HTX, hy vọng trong thời gian tới khu vực kinh tế tập thể sẽ khởi sắc, nòng cốt là các HTX được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng theo Nghị định 55 của Chính phủ, đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho các thành viên, góp phần tích cực vào đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Giáng Hương