Kỳ I: Thừa cử nhân, thiếu trầm trọng lao động có kỹ thuật
Tính riêng "kênh" Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, mỗi năm, các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng qua sàn giao dịch việc làm trên 10 nghìn lao động, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm từ 70-80%. Trên thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp cao hơn con số này nhiều. Và đây thực sự là những con số khó có thể lấp đầy…
Tại buổi làm việc giữa Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với đoàn công tác UBND tỉnh vừa qua, một nội dung nhận được nhiều sự trao đổi, trăn trở của cán bộ ngành Lao động và lãnh đạo UBND tỉnh đó chính là tình trạng thừa thầy- thiếu thợ trong cơ cấu lao động của tỉnh ta hiện nay. Thực trạng này đã được ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trao đổi thẳng thắn: với vai trò là đơn vị làm nhiệm vụ "cầu nối" giữa doanh nghiệp và người lao động trong nhiều năm qua thì có một thực tế là chúng ta thừa quá nhiều cử nhân, thạc sỹ, trong khi đó lại thiếu trầm trọng những lao động có kỹ thuật, tay nghề... Từ trăn trở của ông Đào Thanh Hải, chúng tôi đến tìm hiểu một số phiên giao dịch việc làm được tổ chức gần đây.
Phiên giao dịch việc làm được tổ chức vào đầu tháng 11. Mới từ sáng sớm, song lượng lao động tìm về Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã khá đông. Ai cũng lộ rõ sự bồn chồn, hồi hộp. Gặp em Lương Thị Bích Ngà khi em đang chăm chú theo dõi vị trí tuyển dụng được đăng tải trên cổng điện tử của Trung tâm, Ngà cho biết: Em vừa tốt nghiệp Khoa Công nghệ môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Đây là lần đầu tiên em tham gia vào Sàn giao dịch việc làm, với mong muốn tìm được một công việc phù hợp. Tuy nhiên, tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp thì thực sự buổi giao dịch việc làm hôm nay không dành cho em.
Không còn bỡ ngỡ với việc tham gia phiên giao dịch việc làm như Lương Thị Bích Ngà, bởi từ 2 năm nay, cử nhân Luật Nguyễn Đức Đô đều kiên trì theo sát các phiên giao dịch việc làm với mong muốn tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành mình đã học. Đô cho biết, em ra trường đã hơn 2 năm. Cũng đi làm tạm thời ở một vài nơi để chờ cơ hội tuyển dụng công chức nhưng vẫn chưa có dịp. Ngoài ra, em vẫn tham gia các phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm cơ hội việc làm đúng chuyên ngành ở các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng đã 2 năm rồi, em chưa thể tìm được công việc như ý. Học Luật như em, nếu không làm đúng chuyên môn thì cũng khó tìm các công việc khác. Tuy nhiên, lần này em đến với phiên giao dịch với tiêu chuẩn tìm việc đã hạ thấp nhiều. Không cần đúng chuyên môn, chỉ cần là công việc văn phòng là được. Vậy nhưng cũng rất khó vì thông tin tuyển dụng chủ yếu là tìm những lao động có tay nghề, có kỹ thuật.
Cũng hồi hộp không kém gì người lao động, song các nhà tuyển dụng lại trông đợi đối tượng khác: "đỏ" mắt tìm lao động có tay nghề. Kiên nhẫn ngồi đợi đến tận cuối giờ trưa, khi mà lượng lao động đến với Sàn giao dịch đã thưa thớt, đại diện Công ty TNHH MTV Công nghiệp Hạ Long cho biết: Chúng tôi tuyển dụng công nhân kỹ thuật điện, nhưng đến thời điểm này tôi vẫn chưa tìm được ứng viên nào. Người lao động đến Phiên giao dịch việc làm rất đông nhưng đa số đến hỏi về các vị trí gián tiếp như văn phòng, kế toán… những vị trí này thì chúng tôi lại không có nhu cầu.
Đáng chú ý, tại phiên giao dịch này, Công ty Hon da Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng 300 lao động làm việc tại nhà máy. Ưu tiên những lao động có nghề liên quan như cơ khí, điện tử, điện… Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng "hạ chuẩn" xuống cả lao động phổ thông, song việc tuyển dụng cũng hết sức khó khăn. Đại diện Công ty cho biết, trong phiên giao dịch này, nếu phỏng vấn đáp ứng yêu cầu, đơn vị sẽ tuyển dụng ngay, nhưng lượng lao động đến ứng tuyển thì rất ít. Trong khi đó, thì tại bàn tuyển dụng của Công ty Minh Đăng lại chật cứng người lao động. Đây là lần đầu tiên đơn vị tuyển dụng tại Sàn giao dịch với các vị trí kế toán… "Mặc dù số lượng tuyển dụng chỉ có 2 người, kế toán thuế và kế toán kho. Các ứng cử viên đến tham gia phỏng vấn khá đông. Cũng nhiều cơ hội để chúng tôi lựa chọn được lao động có chất lượng. Tuy nhiên, vì đông ứng cử viên nên việc tuyển dụng sẽ phải kéo dài thời gian hơn. Các ứng viên sẽ phải trải qua các vòng tuyển dụng khá khắt khe"- một đại diện của Công ty chia sẻ.
Theo thống kê, trong Phiên giao dịch việc làm được tổ chức đầu tháng 11 có 18 đơn vị đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng, trong đó có 11 đơn vị tham gia trực tiếp và 7 đơn vị gửi chỉ tiêu tuyển dụng với tổng chỉ tiêu tuyển dụng là 1.515 lao động, trong đó lao động phổ thông và lao động có tay nghề chiếm tỷ lệ lớn hơn. Đặc biệt, doanh nghiệp rất thiếu những lao động có tay nghề như hàn, tiện, nguội… Các nhà tuyển dụng đưa ra mức lương khá cao, cùng với đó là các chế độ ưu đãi lớn, song số người lao động ứng tuyển lại rất ít. Tham gia vào phiên giao dịch việc làm tháng 11 có gần 400 lao động, trong đó tỷ lệ lao động có trình độ từ trung cấp trở lên lại nhiều hơn. Ngay cả những người lao động có nghề, song khi đến với sàn giao dịch việc làm lại là để chọn một công việc nhàn hạ hơn như nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh...
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, sự "lệch pha" cung- cầu lao động diễn ra khá phổ biến. Điều này thể hiện rõ nét qua mỗi phiên giao dịch việc làm, những doanh nghiệp tuyển dụng lao động gián tiếp ít, trong khi phần lớn lao động đến sàn giao dịch tìm việc làm đều có trình độ đại học, cao đẳng đòi hỏi tìm vị trí văn phòng, nhân viên kế toán với mức lương cao. Trong khi đó, rất nhiều chỉ tiêu tuyển dụng lại hướng đến đối tượng là lao động phổ thông hoặc lao động kỹ thuật tay nghề cao.
Đào Hằng