Làm thế nào để duy trì được thành tích cao cho bộ môn này. Câu trả lời cho bài toán này là việc tích cực tuyển chọn và đào tạo vận động viên trẻ.
Thời gian vừa qua, song song với các bộ môn: cờ vua, điền kinh, võ thuật…, bộ môn vật cũng tiến hành nhiều đợt tuyển chọn các tài năng cho môn vật. Tuy nhiên, quá trình đào tạo nảy sinh vấn đề là các vận động viên sau một thời gian tập trung đào tạo tại Trung tâm TDTT tỉnh, khi kiểm tra sàng lọc không đạt, thường quay về địa phương, dẫn đến khó khăn cho việc học văn hóa. Để cởi "nút thắt" này, Trung tâm TDTT tỉnh đã đề ra hình thức liên kết đào tạo với cơ sở. Từ 4-2011, Trung tâm TDTT đã phối hợp với Nhà thiếu nhi huyện Kim Sơn tổ chức đào tạo vận động viên môn vật.
Kim Sơn là địa phương từ lâu có truyền thống trong môn vật, người dân rất yêu thích môn thể thao truyền thống này, bởi vậy đây chính là cơ sở để Trung tâm TDTT tỉnh có thể tìm kiếm, tuyển chọn được các vận động viên môn vật. Được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Huyện đoàn Kim Sơn và Nhà thiếu nhi huyện, Trung tâm TDTT tỉnh đã phối hợp mở lớp tuyển chọn đào tạo vận động viên vật tại Nhà thiếu nhi huyện Kim Sơn. Thời gian đầu việc tuyển chọn, thành lập lớp vận động viên môn vật còn nhiều khó khăn do chưa có nhiều ứng viên để lựa chọn, bản thân gia đình các em cũng chưa thực sự tin tưởng cho con em tham gia tập luyện.
Từ 4/2011 đến nay, nhờ sự tích cực vận động của các cán bộ Nhà thiếu nhi huyện, sự đầu tư thời gian và chuyên môn của các huấn luyện viên Trung tâm TDTT tỉnh, lớp học đã thu hút đông đảo các vận động viên trẻ tham gia tập luyện. Hiện có 11 em, các em được tuyển chọn đều là những em tuổi đời từ 14-15 tuổi, có năng khiếu, có tố chất về kỹ thuật và thể lực, đáp ứng được yêu cầu của Trung tâm để có thể phát triển thành các vận động viên chuyên nghiệp.
Việc tập luyện sẽ do huấn luyện viên của Trung tâm TDTT tỉnh cử xuống trực tiếp đứng lớp, thời lượng luyện tập 6 buổi/tuần, vào các buổi chiều từ 2h30' đến 4h30'. Sau khoảng thời gian luyện tập nhất định, qua kiểm tra em nào đạt sẽ được tuyển chọn tập luyện theo chế độ vận động viên chuyên nghiệp, được hưởng các chế độ tiền công và tiền ăn theo quy định của vận động viên chuyên nghiệp.
Việc đào tạo vận động viên tại chỗ (thay vì đào tạo tập trung tại Trung tâm TDTT tỉnh) có ưu điểm, các vận động viên vẫn ở tại gia đình, sẽ có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn, đặc biệt sau một thời gian tập luyện, dù dạt hay không đạt yêu cầu các em cũng không xáo trộn việc học. Còn đối với địa phương, thì mục đích của lớp vận động viên vật tại Nhà thiếu nhi Kim Sơn trước tiên là phát triển phong trào rèn luyện sức khỏe, sau đó là tạo cơ hội cho các em nếu có năng khiếu thì phát triển thành vận động viên chuyên nghiệp. Vì môn vật là môn thể thao truyền thống của huyện nên việc mở lớp đào tạo môn vật luôn nhận được sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của gia đình các vận động viên. Dự kiến trong thời gian tới, việc tuyển chọn và đào tạo môn vật theo hình thức này sẽ được mở rộng và đầu tư hơn nữa. Đây chính là cơ sở để phát hiện, cung cấp các vận động viên tài năng duy trì thành tích cho đội tuyển vật của tỉnh, cống hiến nhiều hơn cho thể thao thành tích cao Ninh Bình.
Mai Phương