Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thìn ở xóm 15, thuộc làng nghề cói Hướng Đạo, một gia đình có nhiều thành viên tham gia sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Gia đình ông hiện có 3 thành viên ở nhà làm nông nghiệp (gồm hai vợ chồng và một người con). Những lúc nhàn rỗi cả 3 thành viên trong gia đình đều tranh thủ đan các sản phẩm từ cói và bèo bồng. Trung bình một ngày thu nhập của cả gia đình khoảng 50 - 60 nghìn đồng. Mặc dù thu nhập không cao nhưng gia đình ông coi đây là nguồn thu nhập chính để trang trải sinh hoạt hàng ngày cho cả gia đình.
Ông Thìn cũng cho biết thêm: 100% người dân làm nông nghiệp trong thôn, xóm đều tham gia đan các sản phẩm từ cói, bèo bồng. Nhiều gia đình có con đang độ tuổi đi học, tranh thủ thời gian nghỉ hè, thứ bảy, chủ nhật hoặc thời gian rảnh rỗi trong ngày phụ giúp gia đình, nhỏ thì làm các công việc đơn giản, lớn hơn thì có thể đan lát hoàn thành sản phẩm, nghề phụ nhưng đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, trở nên khấm khá hơn.
Đồng chí Phạm Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Hướng cho biết: Xã có hai làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, đó là làng nghề cói Hướng Đạo và Đồng Đắc. Chính vì vậy, phát triển tiểu thủ công nghiệp là hướng đi rất quan trọng đối với xã Đồng Hướng. Trước kia thường gọi đó là nghề phụ, nhưng bây giờ lại là nghề chính của người dân, vì thời gian làm nông nghiệp chỉ chiếm 15 - 20 ngày/vụ, còn lại là làm nghề truyền thống.
Trong một năm người dân dành tới 90% thời gian cho nghề tiểu thủ công nghiệp. Thu nhập của người dân làm nghề phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của các doanh nghiệp và các cơ sở thu mua trên địa bàn. Khi các doanh nghiệp làm ăn tốt, có thị trường tiêu thụ sản phẩm, người dân có nhiều việc làm thì thu nhập lên đến 50.000 đồng/ngày/người. Nhưng thời gian vừa qua do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Do vậy thu nhập đã giảm đi từ 20.000 - 25.000 đồng/ ngày/người.
Từ khi có Nghị quyết 04 của tỉnh về "Đẩy mạnh trồng và chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ", xã Đồng Hướng có nhiều chính sách ưu tiên để nghề truyền thống trên địa bàn ngày càng phát triển. Xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuê mặt bằng, nâng cấp cơ sở hạ tầng để đầu tư sản xuất. Khuyến khích mở các dịch vụ khai thác cói, nguyên liệu từ nơi khác về cung cấp cho nhân dân làm và tổ chức thu gom thành phẩm.
Trên địa bàn hiện có 2 doanh nghiệp lớn là Xí nghiệp tư doanh thủ công mỹ nghệ Đổi Mới và Xí nghiệp tư nhân chế biến cói Ánh Hồng cùng vài chục cơ sở cung cấp nguyên liệu và thu gom hàng cho nhân dân. Do vậy, người dân yên tâm sản xuất và gắn bó với nghề hơn bởi đã có đầu ra. Ngoài việc làm ra các sản phẩm truyền thống như dệt chiếu, đan làn, giỏ, hộp… từ nguyên liệu cói, vài năm trở lại đây người dân còn đan thêm các sản phẩm từ nguyên liệu là bèo tây, bẹ chuối để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Để nghề truyền thống tiếp tục phát triển, Đồng Hướng giao nhiệm vụ cho các xóm đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, khuyến khích và quan tâm giúp đỡ các hộ nghèo và cận nghèo làm nghề. Đây là một hướng đi đúng cho sự phát triển chung của toàn xã, cũng như của các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Hương Giang